1. Dự án “Trao đổi Nam-Nam”về bình đẳng và công bằng giới trong Hợp tác xã”.
(FK tài trợ, triển khai thực hiện từ 2008 )
Fredskorpset (FK) là tổ chức dịch vụ tình nghuyện trực thuộc Bộ Ngoại giao Na uy.
Fredcoreset sử dụng nguồn vốn của chính phủ Na Uy trợ giúp hàng năm cho các nước đang và chưa phát triển thông qua các mối quan hệ giữa các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của chính phủ của các nước với các tổ chức của Na Uy.
Fredskorpset đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Nhà vua Na Uy đã chỉ định một ủy ban gồm 7 thành viên để quản lý Fredskorpset. Mọi chủ trương, đường lối và chính sách của Fredskorpset đều do ủy ban này quyết định.
Từ đầu năm 2008, trong khuôn khổ Nam-Nam, Fredskorpset đã giúp AWCF xây dựng và triển khai một dự án trao đổi giữa các thành viên về nội dung bình đẳng và công bằng giới trong các Hợp Tác xã. Tham gia dự án gồm có Philipines, Thái Lan, Cambodia, Malaysia và Việt Nam. ( Đối với Việt Nam CAEV là thành viên duy nhất của AWCF ).
CAEV đã ký hợp đồng triển khai dự án ở Việt Nam năm từ năm 2008 với AWCF và Fredskorpset.
Từ tháng 10 năm 2008 đến nay, bằng sự tài trợ hàng năm của FK, CAEV gửi 1-2 cán bộ hoặc tình nguyện viên sang các nước trong mạng lưới AWCF và nhận 1-2 cán bộ và tình nguyện viên của các nước trong mạng lưới nói trên, trong thời gian một năm, để trao đổi, học tập, rèn luyện theo các chuyên đề và kế hoạch do FK và AWCF xác định. FK, AWCF và CAEV xem đây như là nội dung chính của dự án.
Trong thời gia từ 10 tháng đến một năm, tại các nước đối tác, các cán bộ và các tình nguyện viên của của các tổ chức thành viên dự án sẽ :
- Cải thiện được khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và học được tiếng của nước sở tại ít ra là để giao tiếp.
- Trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng vận động xã viên các Hợp Tác xã thực hiện trên thực tế sự bình đẳng và công bằng giới trong phạm vi Hợp Tác xã, cũng như một số chuyên đề khác liên quan đến phát triển cộng đồng.
- Thăm viếng và tìm hiểu các tập quán, các phong tục, các văn hóa cơ bản và nhất là được học tập các kinh nghiệm thực tế đang diễn ra ở các điểm mẫu của các tổ chức thành viên dự án đang thực hiện ở nước sở tại về phạm trù giới và bình đẳng công, bằng giới, và về các chuyên đề khác đã được FK và AWCF xác định..
Theo kế hoạch của dự án, năm tiếp theo năm, CAEV và các đối tác sẽ tiếp tục nhận và gửi các cán bộ trẻ và các tình nguyện viên đi và đến để tiếp tục trao đổi và học tập với sự tài trợ của FK và AWCF.
Fredskorpset, AWCF và CAEV coi nội dung chính của “trao đổi” là học tập lẫn nhau để cùng phát triển.
Tính đến 2016, CAEV đã cử 7 cán bộ trẻ và tình nguyện viên đi thực hiện dự án ở các nước Philippines, Thái Lan và Cambodia. Hiện tại họ là các cán bộ nòng cốt của CAEV-VietDHRRA và một số địa phương.
CAEV cũng đã nhận 7 cán bộ và tình nguyện viên từ các nước Philippines, Thái Lan, Cambodia, các cán bộ này trong thời gian ở Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sau khi về nước họ cũng đang đóng góp tích cực cho các tổ chức đã cử họ sang Việt Nam.
Theo các thông tin mới nhất thì trong thời gian tới đây FK có dự định sẽ tiếp tục giúp đỡ CAEV và các đối tác ở Cambodia và Myanmar triển khai các kế hoạch trao đổi tương tự như đã làm thời gian 2008-2016.
2. Dự án “Hợp tác vùng tăng cường các tổ chức phát triển nông thôn ở Châu Á”.
(EU tài trợ và AsiaDHRRA chỉ đạo triển khai ở 8 nước thuộc vùng Đông Nam Á từ 2016)
Tháng 9 năm 2015 Liên Hiệp quốc thông qua 17 mục tiêu lớn, bao gồm 169 mục tiêu cụ thể phát triển ổn định . Đây là các mục tiêu toàn cầu phát triển ổn định thiên niên kỷ. 193 nước thành viên của Liên Hiệp quốc đã thông qua và nhất trí thực hiện đầy đủ vào năm 2030.
Ở vùng Đông Nam Á công việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ toàn cầu nói trên đi cùng với việc thực hiện các kế hoạch chi tiết của tầm nhìn ASEAN đến 2025. Tầm nhìn ASEAN 2025 đặc biệt nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng một công đồng vùng vững mạnh và tiến bộ.
Với AsiaDHRRA mà ViệtDHRRA là một thành viên tích cực, liên tục và đầy trách nhiệm, thì việc triển khai thực hiện dự án “Hợp tác vùng tăng cường các tổ chức phát triển nông thôn” (ReCoERDO-Asia) chính là nhằm để các thành viên có thể đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện các mục tiêu Thiên Niên Kỷ (SDGs) và tầm nhìn ASEAN 2025.
Từ 2016 AsiaDHRRA với sự tài trợ của EU đã triển khai dự án ”Hợp tác vùng tăng cường các tổ chức phát triển nông thôn ở Châu Á” tại 8 nước trong đó có Việt Nam. Dự án có dự định kéo dài 5 năm (2016-2020)
Mục tiêu của dự án là : Đóng góp vào sự cải thiện đời sống kinh tế -xã hội của các thành viên của các tổ chức nhân dân nông thôn (RPOs) ở Đông Nam Á bằng việc tăng cường năng lực của các tổ chức xã hộ dân sự (CSOs) trong việc thực hiện các dịch vụ cho các tổ chức nhân dân nông thôn. Mục tiêu cụ thể là sau 5 năm toàn vùng sẽ đào tạo được 522 lãnh đạo mới cho các DHRRA các cơ sở, hình thành cơ sở hoạt động thực tế cho 45 tổ chức nhân dân và 5 mạng lưới liên kết tổ chức nhân dân và tổ chức xã hội dân sự; có ít nhất 10,000 hộ gia đình nông dân và ngư dân tham gia dự án.
Công việc của dự án do ViêtDHRRA triển khai ở Việt Nam bao gồm: Cấu trúc lại và tăng cường mạng lưới ViêtDHRRA tại các cơ sở (thôn, xã, huyện); Tập huấn nâng cao năng lực và đào tạo mới các thế hệ lãnh đạo cho các thành viên ở cơ sở; Nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ cho các tổ chức nhân dân nông thôn (RPOs) của các thành viên; tổ chức và cổ vũ các thành viên trong việc trực tiếp giúp thay đổi hành vi và đối phó có hiệu quả với các thử thách tự nhiên, kinh tế, xã hội hiện nay cho các hộ nông dân, ngư dân các vùng sâu, vùng xa, vùng chưa phát triển .
Việc thực thi dự án được sơ kết, tổng kết, lập kế hoạch hành động từng năm một và dựa vào đó kinh phí hoạt động của dự án được AsiaDHRRA và nhà tài trợ cấp cũng theo từng năm một.
Năm thứ nhất của dự án (Tháng 6 năm 2016- tháng 6 năm 2017), tổ quản lý dự án và các thành viên của ViêtDHRRA đã hoàn thành hầu hất các công việc do tổ tư vấn và AsiaDHRRA: tiến hành 2 đợt điều tra chi tiết ở các cơ sở, tiến hành 2 cuộc hội nghị bàn tròn và thảo luận nhóm chuyên đề, tổ chức 2 cuộc hội thảo chuyên đề toàn quốc, tổ chức 2 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ trẻ của các thành viên trong mạng lưới, và đã tổ chức rất thành công cuộc hội nghị toàn thể các thành viên, bàn kế hoạch chiến lược 5 năm và tái cấu trúc mạng lưới (Cuộc họp toàn thể lần thứ tư).
Qua một năm triển khai kế hoach năm đầu tiên của dự án tại Việt Nam đã có thể rút ra được một số nhận xét và nhận định sau đây :
1. Các tổ chức Xã Hội Dân Sự, các tổ chức Nhân Dân, đặc biệt là các tổ chức của Hội Nông Dân có nhu cầu rất lớn về đào tạo nguồn nhân lực ở cơ sở vì hiện nay Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương chính sách trực tiếp liên quan đến sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
2. Tại cuộc họp toàn thể lần thứ tư, qua các báo cáo và tham luận, cho thấy hầu như toàn thể 19 tổ chức thành viên của VietDHRRA vẫn tồn tại và hoạt động có hiệu quả. Có một vài tổ chức có thay đổi chút ít. Không có tổ chức nào yếu đi và rất nhiều tổ chức thành viên hiện tại hoạt động rất mạnh, nhất là các tổ chức thuộc cái gọi là “Hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước” như là :Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Công đoàn ngành Nông nghiệp, Liên minh Hợp tác xã,…Có điều là các tổ chức này rất mạnh ở trung ương nhưng cũng vẫn rất yếu ở cơ sở.
3. Chưa bao giờ như bây giờ, ở Việt Nam nhất là ở các vùng nông thôn và ngoại ô các đô thị, các khu công nghiệp , phải chịu những mối đe dọa nghiêm trọng về đời sống và sản xuất như : ô nhiễm môi trường, hang hóa vật tư sản xuất giả, thiên tai do biến đổi khí hậu, thực phẩm không an toàn và giá cả nông sản bấp bênh do tác động của thị trường…
4. Có một vấn đề rất quan trọng , rất thiết thực đến đời sống và sản xuất của nhân dân, đặc biệt là nông dân và ngư dân và đã trở thành một vấn đề “Vô tiền khoáng hậu” suốt mấy chục năm qua là vấn đề Hợp tác xã, nhất là Hợp tác xã nông nghiệp. Lối ra khỏi sự bế tắc vẫn chưa rõ ràng.
Kế hoạch triển khai các công việc của dự án năm thứ hai (tháng 6 năm 2017-tháng 6 năm 2018 đang chờ được AsiaDHRRA và nhà tài trợ phê duyệt.
3. Dự án cải thiện nghề nuôi ong và sản xuất mật ong ở thôn Phúc Thành, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
(AgriCORD tài trợ CAEV- VietDHRRA và thôn Phúc Thành triển khai từ 2016)
Thôn Phúc thành thuộc vùng đồi gò xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cách Thành phố Thái Nguyên 10 cây số, có 113 hộ, chuyên trồng lúa và trồng chè.
Trong các năm từ 1998 đến 2006, CAEV đã giúp xây dựng ở Phúc Thành Hợp tác xã Nông nghiệp theo 7 nguyên lý của ICA.
Năm 2013, cố kỹ sư nông học Dương Anh Tuyên, chuyên viên của CAEV, đã hướng dẫn tổ chức ở đây một Câu lạc bộ/nhóm ưa thích nuôi ong gồm 6 hộ xã viên và bắt đầu bằng 7 đõ ong mua lại của những người nuôi ong trong vùng.
Sau 2 năm hoạt động , năm 2015, Câu lạc bộ đã có 31 hộ tham gia và đã có tới 690 đõ ong. Sản lượng mật ong thu được cả năm 2015 là hơn 1600 Kg.
Trước tình hình đó và theo nguyện vọng của nông dân thôn Phúc Thành, CAEV đã đề nghị AsiaDHRRA và AgriCORD, một tổ chức phi chính phủ của Bỉ, trợ giúp thôn Phúc Thành triển khai dự án có tên là “Cải thiện nghề nuôi ong và công việc sản xuất mật ong ở thôn Phúc Thành, Đồng Hỷ, Thái Nguyên”.
Năm đầu tiên, tính từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017, tại Phúc thành đã tiến hành các công việc sau đây thuộc phạm vi dự án :
- Điều tra chi tiết hiện trạng tình hình nuôi và khả năng tổ chức nuôi ong của toàn bộ 113 hộ của thôn Phúc Thành và 120 hộ gia đình nông dân có dự đinh nuôi ong ở 3 thôn lân cận : Thôn Rôm xá Hóa Thượng và hai thôn Ao Rôm I và thôn Ao Rôm II của xã Khe Mo
- Tổ chức hai lớp tập huấn về những kỹ thuật cơ bản của nghề nuôi ong , do chuyên gia của Công ty ong Trung ương hướng dẫn, cho 30 nông dân nuôi ong nòng cốt (15 của Phúc Thành, 5 của xóm Vải và 10 của 2 thôn Khe Mo I và Khe Mo II).
- Tổ chức được 4 lớp tập huấn về con ong và nghề nuôi ong, những hiểu biết cơ bản về sản xuất và chế biến bảo quản mật ong, cũng do chuyên gia của Công ty Ong Trung ương hướng dẫn cho tất cả các hộ đang nuôi ong và có ý định sẽ nuôi ong ở cả 4 thôn, xóm nói trên, tổng cộng 130 người.
- Tổ chức tham quan cơ sở nuôi ong điển hình thành công và các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản tiên tiến và tiêu thụ thành công mật ong ở Thái Nguyên và ở Hà Nội, cho 60 cán bộ và ác nông dân nuôi ong nòng cốt của 4 thôn triển khai dự án.
- Tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo kỹ thuật và 3 hội nghị bàn tròn về các vấn đề liên quan đến nuôi ong nội, ngoại, kỹ thuật bảo quản và chế biến mật tại chỗ, các sản phẩm của ong ngoài mật…
Qua công việc năm thứ nhất của dự án đã có thể rút ra được một số nhận định sau đây:
- Là vùng đồi gò nên ở khu vực thôn Phúc Thành nói riêng và huyện Đồng Hỷ nói chung có đồng ruộng, vườn cây và rừng núi xen kẽ, có nhiều loại cây trồng và cây tự nhiên, nên có thể phát triển nuôi ong.
- Nông dân ở thôn Phúc Thành và nhân các thôn quanh vùng ưa thích và có nguyện vọng được nuôi ong.
- Kỹ thuật và tập quán nuôi ong ở đây còn rất đơn giản, có thể nói là thô sơ, lạc hậu.
- Năng suất và chất lượng mật ong ở đây còn rất thấp, chưa đạt các yêu cầu của thị trường.
Tổng kết công việc năm thứ nhất, ban quản lý dự án của thôn Phúc Thành và CAEV đang hoàn thiện chương trình, kế hoạch dự kiến thực hiện năm thứ hai, tháng 6 năm 2017- tháng 6 năm 2018, để đề nghị AsiaDHRRA và AgriCORD phê duyệt mà trọng tâm sẽ là :
Phát triển thêm nhiều hộ nuôi ong ở thôn Phúc thành và các thôn xóm lân cận, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới để tăng năng suất và chất lượng của mật ong, tận thu các sản phẩm khác của ong như phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong, nhộng ong, tổ chức sản xuất, liên doanh-liên kết (xây dựng “Hợp tác xã” và “Liên hiệp hợp tác xã “ nuôi ong Phúc Thành), xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Tất cả nhằm tăng thu nhập ổn định cho người nuôi ong, hình thành ở đây một vùng chuyên nuôi ong và sản xuất mật ong có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.