Thông tin cập nhật

Các nhóm sở thích Khuyến nông tự nguyện đầu tiên ở huyện biên giới Bình Liêu ( Quảng Ninh)

Các nhóm sở thích Khuyến nông tự nguyện đầu tiên ở huyện biên giới Bình Liêu ( Quảng Ninh)
 

          Bình Liêu là huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện vùng sâu, vùng xa, huyện miền núi, biên giới, dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người.

           Huyện Bình Liêu có 7 xã và một thị trấn thì 6 xã có biên giới với Trung Quốc. Trong 7 xã của huyện thì 5 xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn.

   Toàn huyện có 29.000 dân, sinh sống trong 6.148 hộ. Toàn huyện có 17.493 lao động, chủ yếu là lao động làm nông lâm nghiệp ( chiếm 88.9% ). Dân số trong huyện 51.6% là người Tày, 27.7% là người Zdao, 15,9% là người Sán Chỉ, 4% là người Kinh và 0.6% là người Hoa.

    Toàn huyện có 1.876 hộ ( chiếm 29.59 %  ) thuộc diện hộ nghèo và 976 ( chiếm 15.6% ) thuộc diện hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người một năm là 11 triệu 400 nghìn đồng.

           Theo dõi trên mạng Internet, trên truyền hình, đài phát thanh và báo chí, cán bộ và nông dân ở Bình Liêu rất thích mô hình khuyến nông tự nguyện do Trung tâm Khuyến nông Tự nguyên triển khai ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

           Đầu năm 2013, Phòng kinh tế và Trạm Khuyến nông huyện Bình Liêu đã chính thức yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện giúp đỡ xây dựng ở Bình Liêu mô hình mẫu Khuyến nông Tự nguyện . Sau đó nếu thích hợp huyện sẽ nhân dần ra diện rộng.

           Huyện đầu tư mọi chi phí cho việc xây dựng mô hình.

           Dự án được triển khai bắt đầu bằng việc khuyến nông huyện và Trung tâm khuyến nông tự nguyện tiến hành điều tra, phỏng vấn 120 hộ gia đình nông dân thuộc 5 dân tộc ở 4 xã do huyện lựa chọn.  Kết quả điều tra phỏng vấn nông dân đã có 5 vấn đề được làm rõ gồm :

    - Điều kiện và khả năng phát triển sản xuất của các hộ nông dân các dân tộc ở đây.

    - Những tập quán và kinh nghiệm sản xuất đặc biệt của các hộ các dân tộc ở đây.`

    - Đồng bào ở đây hiểu như thế nào là khuyến nông.

    - Các hoạt động khuyến nông lâu nay ở địa phương thích hợp đến mức nào với đông bào.

    - Và cuối cùng là hiện tại đồng bào yêu cầu công việc khuyến nông phải như thế nào.

      Một dự án triển khai trong 2 năm, tại 4 xã đã được Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện, phòng kinh tế và trạm Khuyến nông huyện cùng lãnh đạo các xã xây dựng và được huyện phê duyệt.

      Công tác tập huấn được triển khai ở tất cả các xã và được cán bộ và nông dân nhiệt tình tham gia. Căn cứ vào kết quả điều tra và phỏng vấn nông dân, nội dung các buổi tập huấn được xây dựng sát với tập quán, kinh nghiệm, sở thích, yêu cầu và nhận thức của bà con nên được mọi người ưa thích.

      Bốn xã được lựa chọn làm mẫu là các xã biên giới giáp với Trung Quốc :

      1. Xã Đồng Văn có 577 hộ. Chủ yếu là người Hoa, người Zdao và người Tầy.

      2. Xã Tình Húc có 805 hộ. Bà con dân tộc Tầy chiếm 79.6%, dân tộc Zdao 13%, dân tộc Sán Chỉ 4.8%.

      3. Xã Húc Động có 519 hộ. Các hộ của bà con người Sán Chỉ chiếm 82.4%, người Zdao 15% còn lại là bà con các dân tộcTầy, Kinh, Hoa.

      4. Xã Lục Hồn có 948 hộ. 91% là các hộ của đồng bào Zdao, Sán Chỉ, Tầy, Hoa, Cao Lan.

       Tại mỗi xã đã tổ chức được 3 cuộc tập huấn :

       1. Tập huấn chi tiết và đầy đủ cho tất cả các cán bộ chủ chốt của xã và các thôn, bản về giải pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân. Đây là giải pháp khuyến nông đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Sau khi tập huấn bà con ở tất cả 4 xã đều tỏ ra rất thích.

      2. Tập huấn hướng dẫn cho các hộ nông dân cách xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình hang năm. Đây là giải pháp rất cơ bản giúp cho bà con chủ động đầu tư vốn, vật tư và lao động cho các mùa vụ sản xuất trong một năm.

      3. Sau khi các nhóm sở thích được thành lập do bà con tự nguyện tham gia các lớp tập huấn chuyên môn được tổ chức tuỳ theo yêu cầu của các nhóm. Ở cả 4 xã đều tổ chức được các nhóm sở thích nuôi dê. Kỹ thuật thâm canh nuôi dê đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ cho bà con và các nhóm cũng đã mua được dê giống . Có hộ đã mua được hơn chục con về nuôi.

   Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông của huyện Bình Liêu cũng có kế hoạch hỗ trợ phát triển các nhóm sở thích nuôi dê theo mô hình khuyến nông tự nguyện .

 Công việc bước đầu có thuận lợi là bà con các dân tộc ở cả 4 xã đều ưa thích và nhiệt tình tham gia. Huyện ủng hộ và quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn.

  Bà con các xã đều có nguyện vọng được đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm và học tập thực tế ở các nơi đã làm thành công như : mô hinh nuôi ong ở Phúc Thành ( Đồng Hỷ, Thái Nguyên), mô hình trồng khổ qua che màng ni lông của đồng bào Khơ Me ở Trà Kim ( Cầu Ngang, Trà Vinh ), mô hình trồng tre lấy măng của đông bào Ê đê ở Poăn A  ( Krông Pắc, Đắc Lắc )…

 

 

^ Về đầu trang