Thông tin cập nhật

Cuộc gặp gỡ trao đổi Việt Nam-Srilanka của các nữ nông dân và công nhân làm chè

Cuộc gặp gỡ trao đổi Việt Nam-Srilanka của các nữ nông dân và công nhân làm chè
Đã có nhiều cuộc hội thảo, tham quan, trao đổỉ về chè giữa Việt Nam và các nước trồng chè trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka, các nước vùng Trung Á thuộc Liên Xô trước đây… nhưng đó chủ yếu là của những người làm kinh doanh, kỹ thuật, quản lý hoặc quan chức chính phủ. Các cuộc trao đổi trực tiếp giữa các nông dân, công nhân làm chè của các nước này với nhau thì chưa có hoặc có thì cũng rất hiếm sẩy ra. Trong công cuộc đổi mới, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, tiếp cận các nền sản xuất tiền tiến trên thế giới thì các cuộc tiếp súc trực tiếp của nông dân, của công nhân là rất cần thiết và rất quan trọng.
 

          Chè Tích Lan là thương hiệu nổi tiếng từ lâu đời trên thế giới. Tích lan là tên phiên âm chữ Hán sang tiếng Việt của từ Srilanka. Srilanka là quốc gia không lớn, một quốc đảo ở phía nam Ấn độ, nhưng được toàn thế giới biết đến vì có loại nông sản đặc biệt là chè. Chè Srilanka ngon đến mức độ đã có nhiều năm liền các loại chè của Srilanka được xếp từ thứ 1 đến thứ 6 trong số 35 loại chè dự thi về chất lượng trên thị trường thế giới.  

          Ở Việt Nam chè cũng là loại nông sản truyền thống. Chúng ta cũng có các loại chè xuất khẩu trên thị trường quốc tế.Tuy nhiên chất lượng chè của chúng ta không cao, phải bán giá hạ và chưa thể nào so sánh được với chè Srilanka và chè của nhiều nước khác. Chúng ta cũng có những vùng chè cho chất lượng tự nhiên đặc biệt, được ưa chuộng trên thị trường trong nước và thị trường thế giới như chè Thái Nguyên (chè Tân Cương), chè Shan Tuyết ( Hà Giang), chè Suối Ràng ( Nghĩa Lộ-Yên Bái)…

   Trong việc trồng, thu hoạch và chế biến chè ở nước ta và ở các nước trồng chè trên thế giới, phụ nữ giữ vai trò chính. Họ cung cấp 70-80% lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè.

   Từ 6-10 tháng 4 năm 2012 vừa qua, tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, tổ chức quốc tế có tên Dẫn dắt nữ công nhân(Woman Workers Lead – WWL) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện (Center of Agricultural Extension Volunteers – CAEV), được sự giúp đỡ và cộng tác của Công ty chè Sông Cầu - SOCA (thuộc Tổng công ty Chè Viêt Nam), đã tổ chức cuộc họp mặt giao lưu giữa một nhóm nữ công nhân sản suất chè của Srilanka và đại diện các nữ nông dân và công nhân vùng chè này.

         Tham dự cuộc họp mặt có 4 chị nữ công nhân làm chè Srilanka do chị Irine Xavier quan chức của WWL làm trưởng đoàn và 12 chị nữ nông dân và nữ công nhân sản xuất chè của thôn Phúc Thành (xã Hoá Trung) và của Công ty Chè Sông Cầu do chị Nguyễn Thị Hồng Chủ tịch Công đoàn Công ty chè Sông Cầu làm trưởng Đoàn. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo của SOCA và CAEV, một số cán bộ chuyên môn tham dự và giúp phiên dịch.

         Cuộc họp mặt đã tập trung trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thu hoạch và chế biến chè, về cuộc sống gia đình và xã hội của các nữ công nhân và nông dân làm chè, đặc biệt là về bình đẳng và công bằng giới trong gia đình và cộng đồng, về tổ chức sinh hoạt cộng đồng của chị em lao động ở các đồn điền sản xuất chè... của Srilanka và ở Việt Nam. Nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự có liên quan đến các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được lãnh đạo SOCA và CAEV giải đáp .

         Các đại biểu tham dự cuộc họp mặt còn giành nhiều thời giam tham quan nương chè, tập đoàn giống chè, xưởng chế biễn chè công nghiệp và lò sấy chè thủ công của các nông hộ gia đình, thao diễn kỹ năng hái chè của các chị em Srilanka và Việt Nam …

        Kết thúc cuộc họp mặt tất cả các đại biểu tham dự đều rất phấn khởi và rất thoả mãn, thể hiện chân thành bản chất của giai cấp công nhân. Chị Sitthambaram Parwathi, công nhân hái và sao chè, Chủ tịch tổ chức Phụ nữ Cờ đỏ (Woman Red  Flag – WRF) súc động nói : ” Lần đầu tiên được thăm Việt Nam và được găp gỡ trao đổi với các chị em đồng nghiệp Việt Nam, tôi rất phấn khởi. Tôi thực sự khâm phục trình độ hiểu biết, quan hệ xã hội và cuộc sống gia đình của các chị em Việt Nam. Các bạn cũng còn nghèo như chúng tôi. Kỹ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm của các bạn chưa cao nên thu nhập cá nhân cũng còn có hạn, cuộc sống cũng còn có khó khăn, nhưng chúng tôi cảm thấy các bạn rất tự tin vào khả năng và con đường đi lên của mình. Cuộc sống gia đình và cộng đồng của chị em Việt Nam được tổ chức rất tốt, đặc biệt là về công bằng và bình đẳng giới, về quan hệ giữa công nhân và giới chủ. Chúng rôi sẽ nhớ mãi các kỷ niệm với các bạn. Về nước chúng tôi sẽ kể lại với mọi người, sẽ tổ chức nhau làm theo một số cái học được từ các bạn…”

         Cuộc họp mặt và hội thảo đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc cho các chị em, thể hiện chân thành tình đoàn kết và hữu nghị, tình cảm giai cấp của chị em.

^ Về đầu trang