Công bố kết quả & công trình

Để phát triển Hợp tác xã ở nước ta hiện nay

Để phát triển Hợp tác xã ở nước ta hiện nay
Sự hợp tác là bản chất tự nhiên của mọi người và quá trình làm ra và tiêu thụ của cải vật chất. Hiên nay nước ta đã có Luật Hợp tác xã thể hiện đúng các Nguyên lý Hợp tác xã Quốc tế. Nhân dân ta nói chung và nông dân ta nói riêng đã có hàng thập kỷ làm quen với hợp tác xã và phong trào hợp tác hóa, hiếu biết nhiều về Hợp tác xã nhưng còn do dự và e ngại tham gia. Hiện nay đang có 3 “Nút thắt “ cần được tháo gỡ để củng cố và phát triển Hợp tác xã.

                                                

                                            

GS TS Bùi Quang Toản

 

      Hợp tác là bản chất tự nhiên, là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống.

 

      Sự Hợp tác là bản chất của mọi quan hệ kinh tế, xã hội của cộng đồng dân cư. Ại cũng có thể đễ dàng thấy ngay là không thể một mình, đơn thương độc mã, lại có thể hoàn tất được một quá trình làm ra một vật thể, một thứ gì. Từ một hạt lúa, một củ khoai, một cái kim, một sợi chỉ cho đến một con vât lớn như con trâu, con bò hay những cỗ máy như máy cầy, máy gặt, những cái ô tô… đều được làm ra với công sức đóng góp, bằng sự hợp tác của nhiều người. Một khí quá trình lao động sản xuất làm ra của cải vật chất gặp phải những khó khăn, trở ngại, thì người ta, người sản xuất, càng cần có sự hợp tác, sự giúp đỡ của các thành viên khác của cộng đông.

       Do đó hợp tác là một nhu cầu đương nhiên của mọi quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ của mọi của cải vật chất của cộng đồng, của xã hội.

       Bình thường trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội người ta yều cầu được hợp tác, người ta đòi hỏi phải hợp tác với nhau.

       Có thể là từ xa xưa, từ thời tiền sử, từ thời còn trong phương thức “hái”-“ lượm” đã là như thế. Không thể một mình săn bắt nổi một con thú trong rừng, không thể một mình đốn hạ và mang nổi một cây gỗ lớn về nhà…

      Nguyên tắc cơ bản của sự hợp tác đó là sự trao đổi, sự vay trả, giữa các thành viên tham gia, do đó nó đòi hỏi phải rõ ràng, minh bạch và công bằng. Mọi vi phạm các nguyên lý này, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ dẫn đến làm đổ vỡ sự hợp tác, làm hỏng công việc .

 

       Sáu mươi năm trước đây, thời kỳ 1956-1960, các “tổ đổi công”, “tổ vần công”, “tổ liên gia” của nông dân đã một lần tỏa sáng các nguyên lý trên của sự hợp tác ở miền Bắc nước ta .

 

       Sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ, năm 1994, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, công cuộc “cải cách ruộng đất” đã đem lại ruộng đất cho hàng vạn hộ nông dân nghèo, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà chỉ trước đó hơn mười năm, năm 1945, hơn hai triệu người đã chết đói. Người nông dân có ruộng đất trong tay, không phải đi làm thuê, làm mướn như trước đây, bắt đầu quá trình tự sản xuất của mình, họ tự nhiên nghĩ ngay đến sự hợp tác với nhau. 

       Được sự lãnh đạo,cổ vũ và giúp đỡ của Đảng và nhà nước, thế là một phong trào rộng khắp ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng Sông Hồng, các tổ “Vần công”, “Đổi công”, các tổ “Liên gia”của nông dân hình thành và phát triển. Nông dân tự thành lập, nông dân tự quản lý, nông dân với tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ, tương trợ nhau, khôi phục và phát triển sản xuất, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh gian khổ, chống thực dân Pháp.

      Là bản chất tự nhiên, là hình thức phù hợp, có các chính sách của Đảng và Chính phủ cổ vũ, các tổ chức hợp tác đơn giản này ngay lập tức phát huy tác dụng . Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, bội thu, được mùa mùa liên tục. Các mô hình tiên tiến xuất hiện khắp nơi với các Anh hùng, Chiến sỹ thi đua mà tên tuổi còn mãi mãi với lịch sử như : Hoàng Hanh, Trịnh Xuân Bái, Nguyễn Văn Thơi…Chỉ sau 2-3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, chúng ta từ đói kém đã có dư thừa lương thực. Chính phủ khi đó đã từng tính đến có thể xuất khẩu cả triệu tấn lương thưc.

     Khắp nơi nông thôn yên lành, no ấm, đoàn kết, tương trợ . Những người lớn tuổi, ai đã sống và chứng kiến thời đó, hẳn còn nhớ cảnh mọi nhà đêm ngủ không cần khóa cổng, khóa của. Ngoài đường, ngoài chợ không hề thấy có ăn trộm, ăn cắp. Thấy của rơi nhặt tìm trả cho người bị mất…Cố nhà thơ Tố Hữu đã  viết:”Chào sáu mốt (năm 1961) đỉnh cao muôn trượng!”

     Đó là dẫn chứng rất cụ thể, rất rõ ràng về bản chất tự nhiên của sự hợp tác.

 

     Cái gọi là “Hợp tác xã” và “Phong trào Hợp tác hóa” của những năm sáu mươi và bẩy mươi, ở miền Bắc, và sau đó ở cả nước, về bản chất không phải là sự hợp tác.

 

     Đấy là sản phẩm của tập thể hóa vì phong trào ngay lúc đó cũng mang tên là phong trào tập thể hóa. Người nông dân  lúc đó được mang tên là “xã viên” nhưng ruộng đất và trâu bò, nông cụ không còn là của riêng họ, mà là của “Hợp tác xã”. Họ đi làm dưới sự phân công và điều hành của cán bộ “Hợp tác xã”. Sản phẩm lao động của họ được trả băng số giờ công lao động họ đã làm cho “Hợp tác xã”, theo số “công/điểm” ghi chép ở sổ sách của cán bộ “Hợp tác xã”. Họ trở thành những người đi làm thuê mà công không được báo trước, chỉ được trả vào cuối vụ, sau khi thu hoạch.

     Những người được gọi là “Xã viên” khi đó trở thành những “Người nông dân không có ruộng đất”, “Không có nông cụ”, những người đi làm thuê mà không biết trước là sẽ được trả bao nhiêu ! Do đó họ dần dần trở nên không mặn mà với ruộng đất, không mặn mà với sản xuất, không gắn bó với “Hợp tác xã”. Các hộ gia đình thu hoạch hàng vụ, hàng năm không bằng khi còn ở “Tổ đổi công”. Sản xuất của “Hợp tác xã” nhiều nơi cũng thua kém khi còn là “Tổ đổi công, “Tổ vần công”.

     Có một nghịch lý “thú vị” sẩy ra ở mọi nơi là khi đó ruộng của “Hợp tác xã” do xã viên không “mặn mà” thì năng suất rất thấp, chỉ 1,5-2,0 tấn một hecta , nhưng ruộng “phần trăm” (là ruộng “Hợp tác xã” chia cho mỗi hộ gia đình vài phần trăm đất canh tác, mà họ đã góp vào “Hợp tác xã”, để họ trồng rau ăn hang ngày, nông đân gọi là “ruộng phần trăm”, hay “đất rau xanh”) của “xã viên” do xã viên xem là của riêng họ, họ tích cực thâm canh, thì năng suất rất cao, tính ra 7-8 tấn một vụ.

     Sản xuất nông nghiệp của cả nước chững lại dần và nhiều lúc, nhiều nơi, thu hoạch mùa sau không bằng mùa trước. Đảng và Nhà nước đã phải tổ chức tới 3 cuộc vận động lớn trên toàn quốc để mong củng cố phong trào ”Hợp tác xã” : Cải tiến quản lý HTX vòng I, rồi Cải tiến quản lý HTX vòng II và “Dân chủ hoa điều lệ”, nhưng nhìn chung không chuyển biến được tình hình…

     Rất tiếc là tình hình đó đã tồn tại cả chục năm (1963-1973) ở miền Bắc, nhưng sau 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “Hợp tác hóa” vẫn cứ được “chuyển" vào miền Nam. Và thế là, một chục năm tiếp theo, không riêng gì miền Bắc mà cả đất nước, nền sản xuất nông nghiệp tiếp tục đi vào trì trệ. Lương thực sản xuất ra không đủ ăn. Hàng năm nhà nước phải nhập khẩu hang mấy triệu tấn lương thực vẫn không đủ trang trải yêu cầu. Nhiều nơi thiếu đói trầm trọng, triền miên, phải cứu tế. Các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, tiến hành bao vây, cấm vận …làm cho chúng ta càng khó khăn hơn.

     Trước tình thế ngặt nghèo đó, ngày 5 tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp. Bản Nghị quyết xác định hộ gia đình nông dân là đơn vị sản xuất độc lập tự chủ. Họ có quyền quyết định sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm ra trên phần đất được giao quyền quản lý và sử dụng lâu dài. Và như một phép mầu nhiêm! Từ đó sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng, bắt đầu một thời kỳ phát triển ngoạn mục. Tổng diên tích trồng các cây lương thực, trong đó chủ yếu là đất lúa, vẫn chừng ấy, và có phần thu hẹp hơn (vì phải chuyển một phần sang làm đất xây dựng, giao thông và đô thị hóa) nhưng nếu năm 1988 tổng sản lượng lương thực của cả nước chỉ là 16.4 triệu tấn thì năm vừa qua ( 2016) là hơn 44 triệu tấn, tăng gần gấp 3 lần. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực mỗi năm mấy triệu tấn, chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mỗi năm thu về hàng tỷ Đô la Mỹ tiền bán gạo.

      Có lương thực dồi dào thì các nông sản khác như ngô, lạc, cà phê, chè, tôm, cá, thịt…cũng phong phú, dùng trong nước đầy đủ, còn dành xuất khẩu , và chúng ta cũng là nước được xếp thứ hạng cao về xuất khẩu các thứ đó trên thị trường thế giới.

       “Thoát” khỏi sự trói buộc của cái goi là “hợp tác xã” của cơ chế quan liêu bao cấp, và được vực dậy nhờ Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, có ruộng đất được giao sử dụng lâu dài, được được công nhận là đơn vị sản xuất độc lập, tự chủ… nhưng, như trong một nghiên cứu điều tra công bố năm 1993 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp,  nhu cầu hợp tác của nông dân vẫn là 58,1% về làm đất, 74,4% về tưới tiêu nước, 69,8% về phòng trừ sâu bệnh, 57,2% về tín dụng và 74,4% về cung ứng vật tư sản xuất (giống, phân bón, săng dầu…). Đúng như đã nói ở trên :” Hợp tác là bản chất tự nhiên của mọi quá trình sản xuất của nông dân.”

 

       Do nhu cầu phải hợp tác trong sản xuất và đời sống mà trên thế giới, nhất là ở các nước tiền tiến, hợp tác xã đã hình thành và phát triển từ rất sớm.

 

       Lịch sử đã ghi nhận hợp tác xã đầu tiên của nhân loại được thành lập năm 1844 tại Rocdale, một địa danh ở miền trung nước Anh. Những người tiên phong ở Rocdale khi đó đã đề xuất ra 8 nguyên tắc của hợp tác xã mà sau này Liên minh Hợp tác xã Quốc tế

(ICA) phát triển thành “ Bẩy nguyên lý Hợp tác xã Quốc tế”:

  1.Mở rộng cho tất cả mọi người tự nguyện tham gia

   2.Quản lý dân chủ

   3.Phân chia lơi nhuận, lợi tức công bằng

   4.Độc lập tự chủ

   5.Giáo dục, đào tạo và thông tin hợp tác xã

   6.Hợp tác giữa các hợp tác

   7.Quan tâm đến cộng đồng

    

    Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) được thành lập ngày 18 tháng 8 năm 1895 tại Luân Đôn (nước Anh). Đến nay ICA đã có 102 nước  tham gia, bao gồm 228 tổ chức quốc gia và 9 tổ chức quốc tế, với hơn 720 triệu xã viên cơ sở.

        Ở nhiều nước là thành viên ICA như Anh, Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản… Hợp tác xã ra đời rất sớm và vững vàng tồn tại đến ngày nay. Hợp tác xã đầu tiên ở Canada ra đời năm 1862, chỉ sau những người tiên phong ở Rocdale 18 năm. Hiện nay Hiệp hội Hợp tác xã Canada (CCA) có 14 loại hợp tác xã khác nhau, và có tới 63% tổng số hộ gia đình tham gia các Hợp tác xã này. Ở Nhật Bản  91% hộ gia đình tham gia  hợp tác xã tiêu thụ.

 

      Hợp tác xã và đặc biệt là Hợp tác xã Nông nghiệp ở nước ta có một tương lai phát triển rực rỡ nhưng trước mắt để có thể khởi động lại phong trào như thời kỳ 1956-1960 cần một loạt tháo gỡ.

 

      Việc đầu tiên cần phải tháo gỡ là tâm lý lo ngại, tâm lý e sợ của người dân, của nông dân rằng vào Hợp tác xã họ sẽ lại bị “quản lý”, bị “ràng buộc” , bị “ tập thể hóa” như trước đây họ từng bị.

      Nhân dân ta nói chung và nông dân ta nói riêng, ngay cả người ở các vùng sâu, vùng xa, hiện nay đã có trình độ nhận thức. Nhìn chung là họ hiểu và có kinh nghiệm cụ thể về Hợp tác xã, thứ Hợp tác xã họ đang cần vì họ luôn luôn có nhu cầu hợp tác với nhau.

      Tình trạng nông dân không tham gia Tổ Hợp tác hay Hợp tác xã, hoặc tham gia nhưng không gắn bó ( thậm chí không góp cổ phần theo điều lệ) như hiện nay là một nghich lý.

      Thực tế nhân dân ta nói chung và người nông dân nói riêng không lạ gì Hợp tác xã. Họ đã trải qua hàng mấy chục năm cùng với “Hợp tác xã” và “Phong trào Hợp tác hóa” . Họ có thể nói rất hay, rất đúng về Hợp tác xã. Họ có thể nói đầy đủ các nguyên tắc hợp tác và có thể đưa ra các dẫn chứng cụ thể, sinh động bằng chính các kinh nghiệm của bản thân, của cộng đồng của họ. Họ cũng rất thuộc Luật Hợp tác xã, kể cả các văn bản luật qua các lần sửa đổi, bổ xung ban hành gần đây. Họ không tham gia không phải họ không hiểu, cũng không phải họ chống đối mà họ e ngại, họ chưa tin.                                                               

 

         Hiện nay có ba “nút thắt”cần phải tháo gỡ để Hợp tác xã có thể phát triển đúng với quy luật tự nhiên.

 

       “Nút thắt ” thứ nhất : là về phía nhân dân, làm sao phải thật sự tự nguyện tham gia, phải thật sự dân chủ điều hành và quản lý, và phải được thật sự được độc lập tự chủ.

       Những người nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp nói riêng và mọi người dân tham gia các hình thức hợp tác xã khác nói chung, phải tự tổ chức lấy hợp tác xã của mình, mọi người tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp vốn liếng, công sức, cùng bàn bạc với nhau, quyết định hình thức và mức độ hợp tác, không bị câu thúc, không bị gò bó.

       Chúng ta đã có Luật Hợp tác xã. Đó là cơ sở pháp lý để mọi hình thức hợp tác xã hoạt động và tồn tại hợp pháp. Có điều, cũng như nhiều đạo luật khác hiện nay, cần được thực thi trên thực tế và thật sự nghiêm túc. Luật Hợp tác xã của chúng ta về cơ bản thể hiện đầy đủ và phù hợp với 7 nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA).

       Các Liên hiệp và Liên minh Hợp tác xã của chúng ta cần được cải tổ để phát triển. Trước hết nó phải rất mạnh ở cơ sở (Liên minh cấp một-cấp cơ sở), tiếp đó lên đến cấp huyện, cấp tỉnh, hay vùng (Liên minh cấp hai-cấp trung gian) và cuối cùng mới là cấp trung ương, cấp cao nhất. Tất cả đều phải do các thành viên của Hợp tác xã bầu ra : xã viên bầu lãnh đạo Hợp tác xã, đại diện các Hợp tác xã thành viên bầu ra lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã cơ sở, đại diện của Liên mimh hợp tác xã cơ sở bầu ra lãnh đạo Liên minh hợp tác xã các cấp trên cơ sở, các cấp trung gian, và đến cấp trung ương.

      Hợp tác xã bầu ra lãnh đạo và lập ra bộ máy giúp việc các cấp thì mọi chi phí cho bộ máy ấy, kể cả lương cán bộ, phải do các hợp tác xã chi. Không dùng ngân sách nhà nước. Ở tất cả các nước là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) họ đều làm như vậy. Có như thế mới thật sự độc lập và tự chủ (nguyên lý thứ tư của bẩy nguyên lý ICA).

      Nút thắt ” thứ hai : Là về phía nhà nước, chính phủ trung ương và chính quyền các cấp, phải tăng cương hỗ trợ, đóng vai trò “bà đỡ”, vai trò “tiếp sức” cho các hình thức hợp tác, các loại Hợp tác xã. Sự hỗ trợ của nhà nước trong các trường hợp cụ thể không phải chỉ quan trọng mà có khi còn là là quyết định.

       Còn nhớ đó cũng là một trong ba nguyên lý hợp tác xã của Lê Nin ( tự nguyện, hình thức phù hợp và sự giúp đỡ của nhà nước).

       Sự hỗ trợ của nhà nước trước hết là các chính sách tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn tín dụng… của các hợp tác xã. Cũng có thể là một số dự án đầu tư bằng kinh phí nhà nước, trong các trường hợp thật sự cần thiết, nhưng phải tuyệt đối không để gây tâm lý ỷ nại, dựa dẫn.

       Nhà nước trong mọi trường hợp cần phải không can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của hợp tác xã. Mọi lúc, mọi nơi đều cần giúp đỡ để các hợp tác xã và các thành viên dân chủ bàn bạc, mọi người thông suốt, đi đến quyết định cuối cùng.

      Trong hoàn cảnh còn sự nghi ngại, còn băn khoăn như hiện nay thì mọi sự can thiệp trực tiếp, dù nhỏ hay lớn , cũng đều phản tác dụng.  

       Các cán bộ nhà nước ở các cấp, ngay cả ở các vị trí lãnh đạo, quản lý cần triệt để từ bỏ suy nghĩ, hay thói quen, xem hợp tác xã như là một trong những công cụ để quản lý và điều hành quần chúng .

       “Nút thắt ” thứ ba : Là về cả hai phía , nhân dân và nhà nước, cần mắt thấy, tai nghe những mô hình thực tế là các hợp tác xã, các liên hiệp rồi liên minh hợp tác xã, thể hiện đúng bản chất, thỏa mãn nhu cầu hợp tác tự nhiên của nhân dân. Qua các điển hình thực tế đó, về phía nhân dân thấy được đúng là nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ tối đa, luôn luôn tiếp sức cho hợp tác xã phát triển, không quản lý, không can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của họ, còn về phía nhà nước, nhất là cán bộ và chính quyền các cấp có liên quan, thấy rõ là chỉ có tự các thành viên mới có thể xây dựng được hợp tác xã của họ vững mạnh .

       Các nước Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản…là thành viên lâu năm của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) có rất nhiều kinh nghiệm tạo dựng các mô hình mẫu Hợp tác xã. ICA và nhiều nước thành viên cho biết họ rất sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ chúng ta, như trường hợp của Hiệp hội Hợp tác xã Canada (CCA) đã giúp xây dựng các Hợp tác xã Liên Sơn ( tỉnh Hòa Bình), Bầu Sơn (tỉnh Trà Vinh), Phúc Thành (tỉnh Thái Nguyên) , Chư Pua ( tỉnh Đắc Lắc), Thọ Lâm II ( tỉnh Đồng Nai), Ninh Tây (tỉnh Khánh Hòa), Phước Lễ (tỉnh Tây Ninh) và Yên Sinh (tỉnh Quảng Ninh) thời kỳ 1995-2005.

 

Mùa hè 2017

 

Xem thêm bài :” Mô hình Hợp tác xã theo 7 Nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) đã được xây dựng ở nước ta.”

           

^ Về đầu trang