Công bố kết quả & công trình

Nuôi Giun Quế

Nuôi Giun Quế
Giun đất là loài động vật tự nhiên có rất nhiều lợi ích. Đất không có giun sinh sống là đất xấu, thậm chí không trồng trọt được. Làm cho giun sinh sôi ở tầng canh tác, nhất là trong vườn là phương pháp cải tạo đất tốt nhất. Bản thân cơ thể loài giun có nhiều tác dụng trong chăn nuôi và trong y học. "Địa Long" là tên gọi của sản phẩm giun đất phơi khô. Cách đây hàng nghìn năm người cổ đại đã biết nuôi và dùng giun làm thuộc chữa một số bệnh.

                                                                        GS. Bùi Quang Toản

 

       Cách đây 3000 năm giun đất đã được mô tả trong “ Kinh thi “ của Trung quốc. Và cũng ở Trung quốc việc sử dụng giun đất trong Y học đã có lịch sử hơn 1000 năm.

       Aristot ( 382-332 trước Công Nguyên ) đã gọi giun là ruột của đất.

       Tác dụng nhiều mặt của giun đất chỉ được khẳng định từ năm 1881 khi Darwin xuất bản cuốn “ Bàn về sự hình thành đất trồng từ theo dõi hoạt động và tập tính của giun đất “

       Ở Việt Nam giun đất có khoảng 170 loài. Các loài giun có các đặc tính riêng, đa số sống trong đất ẩm, ở những chỗ có thảm thực vật dầy. Có loài sống trong nước.

       Người ta đã chọn ra 5-7 loài giun có nhiều đặc tính tốt để nuôi trong đó có loài Giun Quế, tên khoa học là Perionyx escavatus .

       Giun Quế có mầu nâu, ánh bạc. Thân hơi dẹp, nhỏ và thanh mảnh, có 120 đốt. Toàn thân dài 10-15 cm. Đai sinh dục nằm ở các đốt  thứ 18-20.

         Giun không có phổi mà hô hấp qua da do đó chúng luôn phải sống ở nơi ẩm ướt. Cơ thể giun như là một ống tiêu hoá. Trong ống chứa đầy các hệ vi sinh vật để giúp chuyển hoá các chất hữu cơ thành năng lượng.

        Cơ thể giun như một cái ống có hai lớp : lớp ngoài là thành cơ và lớp trong là ruột. Giữa hai lớp có chứa một lớp dịch lỏng gọi là dịch thể xoang. Giun bò nhanh được là nhờ hoạt động nhịp nhàng của hai lớp này.    

        Giun quế là loài ăn tạp. Chúng ăn phân gia súc như phân trâu bò, phân lợn, phân ngựa... và cả lá cây tươi, rơm rạ mủn...     Hiện nay người ta nuôi giun quế để làm thức ăn cho gà, vịt, ngan, ngỗng... nuôi cá và cả nuôi lợn. Trong thành phần của giun đất có chứa tới 72% protein. Nhiều nơi còn sử dụng giun đất làm nguyên liệu chế biến ra những loại thực phẩm đặc biệt, làm dược liệu và cả dùng để chế ra các loại mỹ phẩm.

      Triển khai dự án 334/10035 CORDAID-CAEV, «  Phát triển nguồn nhân lực nông thôn đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc », bà con nông dân người dân tộc Nùng ở các bản Pạc Ngam, Lủng Phạc và Cốc Chứ, thuộc xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, lần đầu tiên được tổ chức đi tham quan các hộ nông dân và các cơ sở nghiên cứu, hướng dẫn nuôi giun đất ở các tỉnh Hà Nội, và Bắc Ninh.

       Bốn hộ đầu tiên là hộ của các ông : Lù Xửn Tài, Lùng Chẩn Phùi, Vàng Phủng Đông và Lò Văn Bẩy, sau khi được tham quan và học tập, trao đổi trực tiếp với bà con nông dân nuôi giun ở các nơi, và các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, đã xin được giống giun quế đem về ươm nuôi tại nhà mình.

     Sau một năm các hộ đều thu hoạch được nhiều giun để chăn nuôi gà, vịt, ngan... một số hộ, như hộ nhà ông Bẩy, còn dùng làm thức ăn cho lợn. Lợn, gà, vịt, ngan...nuôi có giun pha lẫn vào thức ăn đều tăng trọng rất nhanh và chất lượng thịt gia súc cũng rất ngon, thơm... Gà, vịt đẻ dầy và đẻ nhiều trứng hơn...

     Hiện nay từ bốn hộ ở ba bản nói trên đã có 13 hộ người Nung ở Nấm Lư nuôi giun quế, lấy giống và học tập kỹ thuật từ bốn hộ làm trước.

     Trung tâm khuyến nông huyện Mường Khương cũng đã tổ chức tập huấn về nuôi giun quế cho nông dân các xã, bản ở gần Nấm Lư. Một số nông dân đã tới tham quan các hộ nuôi giun quế và lấy giống giun quế ở Nấm Lư về ươm nuôi ở nhà mình.

      Hy vọng một ngày gần đây nuôi giun quế để làm thức ăn gia súc, gia cầm sẽ trở thành tập quán phổ biến ở vùng đồng bào các dân tộc ít người, nhằm tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo ở huyện Mường Khương nói riêng và các nơi thuộc tỉnh Lào Kai và các tỉnh miền núi nói chung.

 

      Tháng Ba 2001

^ Về đầu trang