Công bố kết quả & công trình

Các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cư trú của đồng bào dân tộc it người

Các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cư trú của đồng bào dân tộc it người
Trong một văn kiện công bố nhân dịp công ước số 169 của tổ chức lao động thế giới ( ILO ) có hiệu lực, ông tổng giám đốc ILO, Michel Hansenne, đã phát biểu : “ Các sắc tộc thiểu số và dân bản xứ hầu như luôn bị đặt ở vị trí thấp nhất về kinh tế và xã hội. Họ hầu như không thể nào thay đổi được mức cao nhất về trẻ em chết yểu, mức cao nhất về thất nghiệp và không đủ việc làm, mức thấp nhất về giáo dục và đào tạo. Hậu quả là ở phần lớn các quốc gia họ bị đẩy tới mức cao nhất về nghiện ngập, bệnh tật và tù đầy”. Thật không có sự xác định nào chính các hơn thế về tình trạng của các bộ tộc ít người ở các nước trên thế giới, nhất là ở các nước nghèo, chưa phát triển và đang phát triển.

                                                                       GS.TS. Bùi Quang Toản

 

           I/-  giới thiệu chung :

           Trong thông điệp nhân kỷ niệm 15 năm ngày lương thực thế giới và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức FAO, tiến sỹ Jacques Diouf, Tổng giám đốc của tổ chức nông nghiệp và lương thực thế giới - FAO- viết : “Chủ đề lương thực cho tất cả moi người của ngày lương thực thế giới sẽ giúp nâng cao ý thức của thế giới đối với cảnh ngộ của 800 triệu người ngày nay vẫn còn chịu đói. Mong muốn sâu xa nhất của tôi là được thấy tất cả chúng ta cùng làm việc để tìm kiếm và xác đinh được những giải pháp lâu dài và cụ thể dẫn đến thế kỷ 21 có sự công bằng hơn đối với tất cả mọi người”.

          Ngài Tổng giám đốc nêu ra như vậy vì trên thực tế điều đã nêu trong tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 rằng “mỗi người có quyền hưởng tiêu chuẩn sống đầy đủ về thể chất và phúc lợi của bản thân và gia đình, bao gồm lương thực ...” vẫn chưa hề được thực hiện. Về lý thuyết thì có thể dễ thấy là có đủ lương thực nuôi toàn nhân loại, nhưng trên thực tế thì lương thực lại không đến được với tất cả mọi người. Hơn 800 triệu người thường xuyên thiếu đói, trong đó có hơn 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu protein và năng lượng nghiêm trọng.

      Trong các thực trạng bi thảm nhất của các sắc tộc ít người thì nạn đói là thường xuyên và nghiêm trọng nhất. Thiếu lương thực, cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến suy sụp về thể lực và sức sống, thậm chí chết đói. Đói kém và  lạc hậu đi liền với nhau. Đói kém không còn sức lực và không có điều kiện để phát triển và ngược lại kém phát triển không thể nào tạo được cuộc sống no đủ. Cứ như thế, cái vòng luẩn quẩn tồn tại dai dẳng, đẩy các bộ tộc ít người, các dân bản địa chìm sâu trong bế tắc. Nhiều nơi, nhiều bộ tộc hiện đang trong tình trạng tuyệt chủng dần.

    Trên thế giới hiện có hơn 5000 bộ tộc ít người và dân bản địa với tổng số hơn 300 triệu người, chiếm khoảng 4,8% nhân loại ở trong tình trạng kể trên. Bắc Mỹ có 16 triệu, Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê có 30 triệu, và hơn 200 triệu thuộc Châu Á, Viễn Đông và Châu Phi.

        Ở nước ta theo các tài liệu thống kê chính thức hiện có 53 nhóm sắc tộc ít người. Có 7 dân tộc có số người từ 1 triệu trở lên, không kể người kinh (61 triệu), gồm : Người Tày, Thái, Mường, Hoa, Khơme, Nùng, Mông. Có 26 dân tộc có từ 10 vạn đến dưới 1 triệu, có 16 dân tộc có từ 1000 tới 10.000 người, và có 6 dân tộc hiệnchỉ còn dưới 1000 người. Người Brâu ở Kong Tum thực ra chỉ còn có 9 hộ là thuần chủng, số khác là đã lai với người Gia Rai hoặc Bana.

          Tổng cộng dân số các dân tộc ít người ở Việt Nam hiện nay là 10- 13 triệu người, họ cư trú ở hầu hết mọi miền đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi, nhưng chủ yếu là ở các vùng trung du và miên núi.

          Ngay từ khi mới giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách thiết lập sự bình đẳng giữa các dân tộc anh em sống trên giải đất Việt Nam.

         Các chính sách đó đã phát huy tác dụng rất to lớn, huy động sức người sức của cho các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.

         Gần đây Nghị quyết 22 của Bộ chính trị, quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là chính phủ, và chỉ thị 525 của chính phủ và các chính sách về giao đất, giao rừng cho hộ gia đình nông dân, chính sách hỗ trợ vốn và tín dụng, chính sách định canh định cư, chính sách hỗ trợ 4 mặt hàng và trợ giá 7 mặt hàng tiêu dùng cho các vùng rẻo cao, vùng sâu, vùng xa, và chương trình 327 ... đã thực sự giúp cho nhân dân các bộ tộc vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất. Nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp như đồng bào Zdao trồng quế, đồng bào Tày, Nùng trồng hồi, đồng bào Eđê, Bana, Cơho trồng cafê ... đã tạo nên nhiều hình mẫu kinh tế trang trại, nhiều người trở nên giầu có.

        II. Hiện trạng an ninh lương thực thực phẩm ở các vùng đồng bào dân tộc ít người :

       Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhìn chung ở hầu hết các vùng, điều kiện của đồng bào các dân tộc ít người còn nhiều khó khăn. Mức sống thấp, trình độ văn hoá và khoa học kỹ thuật kém, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, và trầm trọng hơn cả là tình trạng thiếu lương thực triền miên. Cuộc vật lộn để có lương thực ăn hàng ngày của đồng bào bị khống chế bởi điều kiện tự nhiên khó khăn, đã để lại hậu quả rất nặng nề : mất rừng cây, mất nguồn nước, diện tích đất trống đồi núi trọc tăng nhanh (hiện đã chiếm hơn 1/3 diện tích đất nước) và lũ lụt ngày càng khốc liệt, đe doạ không chỉ đất đai, cơ sở hạ tầng mà cả tính mạng con người, ở cả miền ngược lẫn miền xuôi.

       Kết qủa điều tra gần đây ở Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên cho thấy (xem số liệu bảng 1)

       Bảng 1 :   Lương thực bình quân đầu người/năm của một số dân tộc ít người.

 

Lương thực bình quân một người/năm

Dân tộc

Qui thóc

Trong đó thóc

 

(kg)

(Kg)

Người  Kinh

287,0

210,0

Người Tày

212,0

125,0

Người Nùng

205,0

120,0

Người Mường

191,0

105,0

Người Thái

170,0

97,0

Người Eđe

134,0

80,0

Người Bana

145,0

85,0

Người Cơ ho

130,0

90,0

Người Khơ Me

240,0

235,0

Người Mông

135,0

55,0

            Ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ trong số 37 dân tộc ít người, bình quân lương thực chỉ đạt 246 kg/năm một người, kể cả phần lương thực được đưa từ bên ngoài vào trong vùng. Thiếu đói nghiêm trọng nhất là ở vùng rẻo cao, vùng xa, vùng sâu.

 Điều tra điểm ở 17 huyện thuộc 10 tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ cho thấy nhưsau :

       Vùng cao   : bình quân lương thưc 142 kg/người năm

       Vùng giữa  :           -                         167 kg/người năm

       Vùng thấp :           -                           180 kg/người năm

    Ở 7 xã vùng cao của huyện Sapa (Lào Cai) đồng bào Mông, Zdao, Dáy, Hoa vân vân... thường xuyên thiếu ăn 6-8 tháng một năm. Nhiều bản hết mùa là hết thóc, ngô, sắn .... lại phải vào rừng đào củ mài, kiếm rau, qủa dại ... mà các thứ đó trong rừng cũng đang cạn kiệt dần.       

        Lương thực ở miền núi hiện nay thông thường được tinh toán một cách tương đối từ các thứ ra thóc, trên thực tế chỉ có khoảng 35- 40% là thóc. Các nguồn lương thực ngoài thóc phổ biến là : ngô, sắn, khoai lang, khoai sọ, giong giềng, và một số ít loại đặc biệt khác như : kê, kê mèo, cao lương, mạch ba góc, một số loại đậu đỗ như : đậu tương, đậu nho nhe, đậu xanh, đậu đỏ, đậu răng ngựa, đậu kiếm .... cũng được sử dụng làm lương thực, trộn đơn giản với gạo, ngô, sắn ... trong các bữa ăn.

       Lươg thực gồm nhiều loại, thu hoạch về chế biến rất đơn giản, và bảo quản cũng sơ sài, nên chất lượng rất thấp, ở vùng đồng bào Mông, đồng bào Thái Tây Bắc nhiều khi phải ăn ngô đã bị mọt. Đã có những vụ bị ngộ độc.

      It lâu nay tồn tại cách suy nghĩ thông thường là “ mọi người phải tự sản xuất lấy lương thực để dùng”. Đã có lúc, có nơi, chủ trương “phải tự cân đối lấy lương thực trong vùng” ( ! ), không kể khả năng và điều kiện sản xuất như thế nào. Nơi có ruộng thì dựa vào ruộng, nơi không có ruộng thì đi phát nương làm rẫy. Có ít ruộng thì phát thêm nương rẫy, vừa làm nương rẫy vừa làm ruộng. Diện tích ruộng thì cố định chứ nương rẫy thì không cố đinh, cứ phát đốt, khi nào làm không xuể nữa thì thôi ... Ruộng và nương rẫy, chủ yếu chỉ gieo trồng vụ mưa. Vụ đông xuân do khô hạn và giá rét nên thường bỏ hoá.

         Tập quán và kỹ thuật canh tác còn rất đơn giản và lạc hậu. Hơn 80% ruộng và 100% nương rẫy là trồng cấy chay, không bón phân, chờ nước trời. Sâu bệnh và thú rừng thường tàn phá làm thất thoát 25- 30%, có khi mất thu hoạch. Năng suất của các loại cây lương thực ở vùng đồng bào các dân tộc ít người rất thấp. Kết quả điều tra nhiều năm cho thấy: (Xem số liệu bảng 2 ) .

 Bảng 2 : Năng suất bình quân của một số loại cây lương thực ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người.

 

Năng suất lúa

Năng suất ngô

Vùng đồng bào

(Tấn/ha/vụ)

(Tấn/ha/vụ)

dân tộc ít người

Dưới

Nương

Dưới

Nương

 

ruộng

rẫy

ruộng

rẫy

Đồng bào Thái

1,8

0,7

1,2

0,6

(Tây Bắc)

 

 

 

 

Đồng bào Mông

1,4

0,5

1,3

0,7

(Tây Bắc)

 

 

 

 

Đồng bào Tày

2,0

0,7

1,0

0,5

(Việt Bắc)

 

 

 

 

Đồng bào Dzao

1,8

0,6

1,2

0,6

(Việt Bắc)

 

 

 

 

Đồng bào Eđê

2,1

0,6

-

0,6

(Tây Nguyên)

 

 

 

 

Đồng bào Khơme

2,2

-

-

0,7

(Nam Bộ)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         Một số tiến bộ kỹ thuật về giống ( giống lúa, giống ngô ) và về kỹ thuật canh tác như bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đã và đang được đưa vào sản xuất ở một số nơi, nhưng nhìn chung còn chậm và kết quả hạn chế, do đồng bào không đủ khả năng tiếp thu. Có trường hợp đồng bào làm theo một thời gian nhưng sau đó lại bỏ dần.

         Nương rẫy du canh tăng dần, rừng cây bị chặt phá nhiều hơn, phát cả vào đầu nguồn, vào rừng cấm ... nguồn nước mất dần, ruộng “chờ nước trời” nhưng “nước của trời” mất dần, muộn dần ... làm cho ruộng bị trễ thời vụ, bị khô hạn, sản xuất dưới ruộng kém dần ... Đấy là chưa kể lũ quét và sạt lở phá hoại hàng năm hàng trăm công trình thủy lợi và tàn phá hàng trăm hecta ruộng bậc thang dọc các thung lũng và thềm suối. Lũ lụt ngày càng khốc liệt, nhiều nơi không còn khả năng khắc phục hậu quả. Như ở xã Tà Phình ( Sapa- Lào Cai ) trận mưa 75mm ngày 18/7/1994 phá hủy hoàn toàn con đập và 4 km kênh mương, làm cho 11,8 ha ruộng không có nguồn nước, đã 5 năm nay không có khả năng khôi phuc.

         Một hiện tượng, có vẻ như là một nghịch lý nhưng lại đang diễn ra đối với hầu hết các dân tộc ít người ở nước ta là trong khi đời sống khó khăn thì dân số lại tăng với mức rất đáng ngại.

         Theo các tài liệu thống kê ở các địa phương, trong 10 năm qua tỷ lệ tăng dân số ở một số cộng đồng dân tộc ít người như sau :

Người Thái                 : 3,7%/năm

Người Mường            : 3,5%/năm

Người Tày                  : 4,1%/năm

Người Mông                : 4,8%/năm

Người Zdao                : 4,6%/năm 

Người Khơme :            3,8%/năm 

Người Cơ Ho              : 3,9%/năm

            III/ Khả năng đảm bảo an ninh lương thực ở vùng đồng bào các dân tộc ít người ở nước ta.  

           Trước hết nói về khả năng sảnxuất lương thực tại chỗ. Thực ra, không ai có thể phủ nhận được khả năng sản xuất lương thực ở một mức độ nhất định ở các vùng này. Trước hết bằng con đường định canh, thâm canh, tăng vụ trên các chân đất đang trồng cấy. Xin nêu một kết qủa điều tra của chúng tôi gần đây ở các vùng trung du và miền núi, ( xem số liệu bảng 3 ) .

             Bảng số 3 cho thấy khả năng về đất đai có thể mở rộng thêm để sản xuất lương thực thuực phẩm . Cũng còn cần phải kể thêm về điều kiện khí hậu mát và ẩm trong suốt mùa hè và mùa thu , là rất thích hợp cho việc gieo trồng nhiều loại cây có củ như sắn , khoai lang , khoai sọ , giong riềng ... Một mặt khác là kỹ thuật canh tác hiện nay ở các vùng đồng bào dân tộc ít người còn rất đơn giản , thô sơ . Phần lớn đất canh tác , nhất là đất cạn , không hề được bón phân , các loại giống cây trồng và gia súc phần nhiều là các giống địa phương , dài ngày , năng suất thấp . Nếu thực hiện được quá trìng chuyển đổi một cách cơ bản từ quảng canh sang thâm canh , chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi , chuyển đổi cơ cấu mùa vụ , chuyển đổi tập quán canh tác , áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện địa phương ... thì chúng ta còn có thể tăng được năng suất cây trồng và vật nuôi lên rất nhiều so với hiện nay , mà chưa cần phải mở rộng thêm diện tích .

 Bảng 3: Diện tích đất một vụ ở các vùng Trung du và miền núi ở nước ta.  (Đv:1000 ha/số liệu tới năm 1997)

 

Đất

Trong đó đất một vu

Vùng

nông

Ruộng bỏ hoá

Nương rẫy trồng

 

nghiệp

vụ Đông Xuân

cây hàng năm

Tám tỉnh miền núi

 

 

 

Bắc bộ

899,50

217,40

464,50

Ba tỉnh Trung du

357,90

67,40

180,10

Khu 4 cũ

305,30

26,40

213,40

Duyên Hải Nam Trung bộ

195,10

38,40

176,00

Tây Nguyên

375,90

98,10

215,70

Đông Nam Bộ

548,90

89,40

178,00

Tổng cộng

2.682,60

537,70

1.427,70

          Ta thấy có tới hơn nửa triệu hecta đất ruộng vụ đông xuân không có nước cấy lúa. Có tới gần một triệu rưỡi hedcta đất nương rẫy trồng cây hàng năm, cũng chỉ làm một vụ mùa, vụ đông xuân bỏ hoá. Trong số nương rẫy này có 20-35% là phiêng bãi, ít dốc.

           Hoàn toàn có thể trồng thêm một vụ cây trồng cạn trên các chân đất ruộng một vụ và nương rẫy phiêng bãi  đất ít dốc trong vụ đông xuân.

           Theo tính toán của chúng tôi thì nhu cầu lương thực cho các vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên hàng năm là từ 60-100 kg/một người, không kể số có thể sản xuất tại chỗ. Đối với khoảng 10-13 triệu đồng bào các cộng đồng dân tộc ít người đang cư  trú ở nơi đây nếu chuyển hẳn sang trồng và bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp và cây đặc sản dài ngày thì nhu cầu lương thực của họ một năm cũng chỉ vào khoảng 2,1- 2,3 triệu tấn, hoàn toàn ở trong khả năng cung cấp của chúng ta.

             Khả năng là lớn, là thực tế, song việc khai thác những khả năng đó thì bản thân đồng bào không thể tự xoay chuyển được tình thế, ít nhất là ở trong thời điểm hiện nay.

           Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng đồng bào thích tiếp tục phá hết phần rừng còn lại đã quá ít ỏi thế kia, để làm nương rẫy du canh trồng cây hoà mầu lương thực. Họ phải làm như vậy chỉ vì họ chưa có cách nào khác để đảm bảo, dù là mức tối thiểu, lương thực để sống còn ( ! ).

           Chúng tôi cũng hoàn toàn không cho là đồng bào thích trồng và sử dụng một cách phi pháp cây thuốc phiện trên nương rẫy và trong vườn đồi của ho. Nhưng để có tiền mua lương thực, mua quần áo, thuốc men chữa bệnh, và bút giấy cho con trẻ đi học thì không có loại cây trồng nào dễ trồng, dễ chế biến, dễ tiêu thụ ( cố nhiên là vụng trộm ) mà cho hiệu quả kinh tế cao như cây thuốc phiện. Việc trồng và lưu thông phi pháp cây thuốc phiện ở hầu hết các vùng đồng bào dân tộc ít người không chỉ là vấn đề xã hội hay kinh tế đơn thuần, mà theo chúng tôi, nó cũng có nguồn gốc sâu xa từ tình trạng không có an ninh lương thực.

          Hàng ngày hàng giờ họ tiếp súc với các khả năng lớn, các nguồn tài nguyên, nhưng cũng hàng ngày hàng giờ họ ( vô tình ) tàn phá các nguồn tài nguyên, các khả năng lớn đó.

          Ngài cựu Tổng thư ký liên hiệp quốc Haviê Pêrétđêpuêda đã rất đúng khi ông tuyên bố với toàn thế giới rằng : “Nếu những người nghèo khổ buộc phải tàn phá các nguồn tài nguyên để sống còn thì toàn nhân loại phải gánh chịu hậu qủa!”.

            IV. Các giải pháp nhằm đi tới đảm bảo an ninh lương thực cho các cộng đồng dân tộc ít người ở nước ta.

            Nhanh chóng thực hiện triệt để việc giao đất giao rừng và đất trống đồi núi trọc cần khôi phục lại rừng, cho các hộ nông dân thuộc các cộng đồng dân tộc ít người. Công việc này nhìn chung là khó khăn và phức tạp hơn ở các vùng miền xuôi, hoặc những vùng đất thuộc khác, nhưng làm càng muộn càng có hậu quả xấu.

            Thuận lợi cơ bản là chúng ta đã có luật đất đai, chúng ta cũng đã có những chủ trương cụ thể, nhất là chỉ thị 525 gần đây của thủ tướng chính phủ nhằm uốn nắn những lệch lạc trong việc thực hiện các nghị quyết 22 của Bộ chính trị và 72 của Hội đồng Bộ trưởng ( nay là Chính phủ ). Như vậy là về chủ trương, đường lối không còn gì vướng mắc.

          Công việc còn lại là triển khai thực hiện ở các địa phương.

          Cần làm một cách vững chắc, chính xác. cụ thể ở từng nơi, với từng nông hộ.

          Theo chúng tôi cần phân ra các loại đất và rừng cụ thể, có đo đạc, có bản đồ chi tiết, để giao.

       - Đất canh tác : Gồm ruộng và vườn cây định canh, không giao nương rẫy đang du canh.

         Đất canh tác giao toàn bộ, giao ổn định cho từng nông hộ, xác định rõ loại sử dụng để còn quản lý lâu dài.

      - Rừng : Gồm rừng bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi ... xác định rõ số  lượng và chất lượng từng loại.

         Xác định rõ hai hình thức giao : Giao cho nông hộ và giao cho cộng đồng (cho bản, cho tổ hợp, hay cho nhóm nông hộ..)

         Không giao rừng khai thác cho hộ hoặc cộng đồng.

         - Đất trống đồi núi trọc : Xác định rõ trước khi giao gồm : đất để làm rừng và đất để làm nông nghiệp. Đất để làm rừng gồm 2 loại : Rừng trồng và rừng khôi phục tự nhiên ( Khoanh nuôi, bảo vệ để mọc lại tự nhiên ). Đất để làm nông nghiệp cũng chia 2 loại : để làm hoa mầu lương thực và để làm vườn cây, làm bãi chăn thả, làm nơi chứa nước.

         Nhanh chóng hoàn tất công việc qui hoạch, ổn định các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hoá, các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây gỗ nguyên liệu ... xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc lâu dài từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến lưu thông, tiêu thụ. Trước mắt cần có sự đầu tư hỗ trợ ( dưới hình thức cho vay ) để trồng và chăm sóc, một phần dùng cho mua lương thực bổ xung, cho tới khi có thu hoạch. Đây là phần đầu tư trực tiếp cho nông hộ. Lợi nhuận từ khi thu hoạch tới hết nhiệm kỳ kinh tế của vườn cây, hoặc đồi rừng, sẽ được dùng trả vốn đã vay và lãi, và tái sản xuất mở rộng, tăng cường qui mô sản xuất.

        Hiện nay đã có nhiều điển hình về loại này ở vùng trồng cafê, cao su , chè, bông, đào lộn hột, mía ... ở Miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ . Cần nhanh chóng hoàn tất, tổng kết để áp dụng cho các vùng trồng hồi, quế, dược liệu, cây ăn quả .

        Tổ chức và kiện toàn hệ thống chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để thâm canh phát triển sản xuất. Đây cũng là nội dung chủ yêú của công việc được gọi là “ khuyến nông”. Có thể nói hiện nay chưa có hình thức thoả đáng, có hiệu lực, đưa tiến bộ kỹ thuật cần thiết về cho nông dân ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người.

        Có rất nhiều nông dân không biết chữ. Họ không biết đọc báo, đọc tài liệu. Họ cũng không có đủ radiô để nghe đài hay TV để xem truyềng hình. Do đó cần phải có rất nhiều loại hình vẽ, sách vẽ, chú thích chữ to, hoặc chữ dân tộc, để phân phát cho mọi người, trong và sau các đợt tập huấn, các “hội nghị đầu bờ”.

        Nhanh chóng tổ chức các hình thức hợp tác tự nguyện, qui mô và phương thức hoạt động thích hợp cho đồng bào, để họ có thể tự vươn lên, hợp sức giúp đỡ lẫn nhau, tự lực, tự cường, phát triển sản xuất.

         Các hình thức tổ hợp tác, tổ vần công đổi công, tổ liên gia, dăm bẩy hộ trong một bản, gần gũi nhau, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống.

         Nhà nước đã và đang có những chính sách trợ giúp nhưng không bao giờ, không ở đâu, ngay cả ở những nước giầu có, chính phủ lại có đủ tiền để cấp cho nông dân phát triển sản xuất. Cái mà họ tự có vẫn phải là cái quyết định, và như thế sự hợp tác giữa họ với nhau là cách làm tốt nhất.

 

     Tháng 10 Năm 2000

                                            

 

^ Về đầu trang