Công bố kết quả & công trình

25 năm khuyến nông nhân dân

25 năm khuyến nông nhân dân
Trung tâm khuyến nông Tự nguyện ra đời và hoạt động từ năm 1991 đến nay đã tròn 25 năm. Là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Đối tác của Trung tâm là các hộ gia đình nông dân tại các cơ sở thôn , xóm, ấp, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người còn chưa phát triển. Các thành viên, các cộng tác viên và các hộ nông dân là đối tác của Trung tâm, trong một phần tư thế kỷ vừa qua, hình thành một mạng lưới khuyến nông tự nguyện, hoạt động ở 14 tỉnh, từ Bắc vào Nam, từ vùng thấp đến vùng cao. Trung tâm cũng có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nhiều nước. Trung tâm đã được nhận Giải thưởng ASEAN năm 2013.

 

                                                                                                       Giáo sư Tiến sĩ Nông học

                                                                                                            Bùi Quang Toản

 

        Khuyến nông tiếng Anh là  Agricultural Extension , được ghép từ hai từ Agriculture có nghĩa là nông nghiệp và từ Extension có nghĩa là sự mở rông ra, sự phổ biến, sự quảng bá…

 Công việc mở rông, phổ biến hay quảng bá đó có thể do nhà nước, do chính phủ, do chính quyền các địa phương làm, cũng có thể do một số tổ chức xã hội, một số doanh nghiệp (phi chính phủ) làm, và cũng có thể do chính những người nông dân làm trên đồng ruộng của họ.

 Trên thực tế , ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nhìn diện rộng, thì có khi tất cả các thực thể trên cùng làm một lúc, thậm chí cùng ở một nơi.

  Có thể nói trong lịch sử nhân loại khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp là chính sách mà tất cả các các thời đại, tất cả các nhà nước, tất cả các chính phủ, tất cả các nước đều phải làm. Đơn giản là vì nông nghiệp làm ra thực phẩm nuôi sống con người hàng ngày.

      Ở nước ta công việc khuyến nông đã có từ lâu đời và không biết tự bao giờ trong  dân gian đã có câu vè vui là : “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo vác rá chạy rông, thì nhất nông nhì sỹ “. Nói khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thì không có ai phản đối cả, dù người đó sống ở nông thôn hay ở thành thị, dù người đó làm nghề nông hay làm bất kỳ nghề gì khác.

    Mọi người đều khuyến nông, nhưng mỗi người nghĩ một khác và do đó mỗi người làm một khác. Ngay ở phạm vi quốc gia cũng mỗi nước có chủ trương chính sách về khuyến nông riêng tùy thuộc điều kiện và tập quán của họ. Thậm chí trong một nước mỗi vùng cũng có thể có những chủ trương, chính sách riêng về khuyến nông.

    Nước ta là nước nông nghiệp, có điều kiện tự nhiên nhiệt đới ẩm điển hình. Nền nông nghiệp của chúng ta rất phong phú và có tiềm năng phát triển.

   Về chủ trương đường lối thì chưa bao giờ chúng ta không chú trọng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Có điều là tư duyhành động đã đúng mức chưa, đã thực là chú trong chưa, thì thực tế chưa bao giờ được như mong muốn cả. Mọi người, ngay cả những người chuyên làm nông nghiệp, công chức ngành nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân , ít có ai nói đã hài lòng về công việc khuyến nông của chúng ta .

   Như vậy có nghĩa là công cuộc khuyến nông từ xưa tới nay còn có vấn đề.

   Nguyên nhân vì sao và làm thế nào để mọi sự như ý thì còn cần phải bàn nhiều.

      Ngay từ khi thành lập ( 1991) và trong suốt quá trình hoạt động, Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện (CAEV) đã xác định đối tác trực tiếp và chủ yếu là các hộ nông dân tại cơ sở ( xóm, ấp, bản, làng…), lực lượng nòng cốt là các chủ hộ, và hình thức tham gia là hoàn toàn là tự nguyện.

     Vì Trung tâm là tổ chức phi chính phủ (NGO) nên mọi dự án Trung tâm triển khai  ở đâu là do nông dân ở đó tự quản lý, không thuộc sự chỉ đạo hoặc điều hành của chính quyền hay các cơ quan chức năng của địa phương.

     Nội dung của các dự án, vì là làm ở cơ sở, do đó trước hết là do nông dân lựa chọn. Cuộc họp toàn thể của nông dân thảo luận và nhất trí chọn nội dung của dự án dưa theo nhu cầu thực tiễn sản xuất tại chỗ (tất nhiên là phù hợp với phương hướng nhà tài trợ đã nêu ra). Chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng ở địa phương được kêu gọi ủng hộ, được mời tham gia, nhưng được đề nghị không can thiệp vào (nếu dự án không vi phạm gì các quy định có tính chất hành chính của địa phượng).

      Từng nội dung cụ thể do nông dân nhất trí lựa chọn và được nhà tài trợ chấp thuận thì họ tiếp tục tự lựa chọn các chi tiết và cách thức triển khai như: Tập huấn những gì ?, mời ai hướng dẫn ?, Cần học tập những kinh nghiệm nào ?, Học ở đâu ?, Mời chuyên gia nào phổ biến kinh nghiệm ?, Tham quan gì ? Ở những đâu ?, Khi nào tham quan ?, Cần có các tài liệu nào ?, Sách hướng dẫn nào ?, Tranh vẽ gì ? …

       Khuyến nông viên của Trung tâm cử xuống hay cộng tác viên của Trung tâm ở cơ sở,cùng với đại diện của nông dân, căn cứ vào ý kiến của nông dân viết thành văn bản để Trung tâm và nhà tài trợ duyệt cấp kinh phí triển khai. Trong quá trình triển khai, cần bổ sung hay thay đổi, thì nông dân và các khuyến nông viên đề nghị Trung tâm và nhà tài trợ kịp thời xem xét .

       Về phương thức để triển khai các nội dung đã được nông dân lựa chọn và nhà tài trợ chấp nhận chủ yếu có hai giải pháp :

       Một là tập huấn truyền thụ kiến thức, nâng cao hiểu biết cho nông dân, trước hết là các chủ hộ, phát triển nguồn nhân lực ở cộng đồng nông dân. Đây là giải pháp có tính chất quyết định, không chỉ trước mắt mà là lâu dài.

      Thực chất công việc khuyến nông là  giáo dục và đào tạo không phải ở trên ghế nhà trường. Tính chất của công việc đòi hỏi phải lấy thực hành là chính, phải qua nhiều bước và kết quả thực sự chỉ có thể đạt được khi hoàn tất bước cuối cùng của quá trình.            

         Bước một: Tuyên truyền, giới thiệu để đối tượng nhận biết 

         Bước hai: Tập huấn và luyện tập để đối tượng thông hiểu cách thức tiến hành                    

         Bước ba:  Các đối tượng tự nguyện làm và hướng dẫn người khác cùng làm tức là các đối tượng đã thay đổi hành vi.

        Ở mỗi bước của quá trình trên đòi hỏi tài liệu (giáo trình) phải khác, người trình bầy (huấn luyện viên) cũng phải khác.

        Hoàn thành mỗi bước đòi hỏi nhiều thời gian, không thể nóng vội.

        Để có thể tập huấn rộng rãi, Trung tâm đã phải tổ chức hàng chục lớp huấn luyện đào tạo các huấn luyện viên (TOT). Mạng lưới hơn 3200 khuyến nông viên của Trung tâm chính là các huấn luyện viên, trong đó rất nhiều là người dân tộc thiểu số, vì họ am hiểu người địa phương và các lớp tập huấn cũng đòi hỏi phải bằng tiếng địa phương. Ngay cả các báo cáo viên được mời trình bầy các chuyên đề cũng cần là người nói tiếng địa phương.

  Các lớp tập huấn do Trung tâm tổ chức ở các điểm dự án thuộc 14 tỉnh thời gian qua đã đào tạo được hàng trăm lãnh đạo nông dân ở cơ sở, hàng nghìn khuyến nông viên cơ sở và hàng vạn nông dân có kiến thức và kinh nghiệm về các mô hình nông hộ phát triển sản xuất nông nghiệp, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, vùng đồng bào các dân tộc ít người.

       Hai là tạo các mô hình, đầu tiên là từng nông hộ, sau đó là các nhóm nông hộ và tiếp theo đến các cộng đồng. Không có điển hình thành công thì không có gì để nhân ra diện rộng, để có thể phát triển cả. Đi đôi với tập huấn là tổ chức các nhóm hộ nông dân thực hành các kiến thức đã được tập huấn, ở quy mô hộ gia đình, theo điều kiện khả năng vốn, vật tư và nhân lực và kế hoạch sản xuất hàng năm, hàng vụ của họ. Mới đầu có hộ thành công, có hộ chưa thành công. Vụ này qua vụ khác, năm trước sang năm sau, qua các hội nghị “đầu bờ”, qua tham quan, trao đổi từng nhóm, từng cụm, rồi tiếp tục tập huấn, tham quan nữa…các mô hình cộng đồng dần hoàn thiện. Các giải pháp kỹ thuật dần trở thành tập quán và quy trình sản xuất.

       Giải pháp”Khuyến nông có sự tham gia của nông dân” (FPE) áp dụng ở mạng lưới của Trung tâm đã được giới thiệu rộng rãi trong mạng lưới “Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á” (AsiaDHRRA).

       Ở các điểm dự án thuộc 14 tỉnh trong toàn quốc, mạng lưới của Trung tâm đã giới thiệu hàng chục mô hình khác nhau. Rất nhiều mô hình đã trở thành tập quán sản xuất ở địa phương.

      Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện là tổ chức phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, được phép hoạt động đầu tiên ở nước ta (1991), đến nay đã được 25 năm.

      Các dự án của Trung tâm được triển khai chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, các cộng tác viên, các nhà tài trợ trong và ngoài nước và của hàng vạn hộ gia đình nông dân : người Kinh, người Khơ me, người Tày, người Mông, người Nùng, người Ê đê, người Răc ley, người Ba na…khắp Trung, Nam, Bắc, hình thành mạng lưới khuyến nông nhân dân, được thử thách qua thời gian và không gian thích hợp.

       Kết quả các dự án do Trung tâm đã triển khai là các điển hình hộ gia đình nông dân, cộng đồng nông dân, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, định canh, thâm canh, củng cố và phát triển hệ thông nông nghiệp hộ gia đình (VAC),vốn thích hợp với vùng đồi núi, phiêng bãi, thành công trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc it người.

       Ông Thạch Rịt Thi, Khuyến nông viên của Trung tâm, Trưởng ấp Trà Kim của đồng bào Khơ me tỉnh Trà vinh, đã được dự và báo cáo tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 8, tại Hà Nội, năm 2010.

       Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện là tổ chức phi chính phủ đầu tiên và cho đến nay là duy nhất, ở nước ta, được nhận Giải thưởng Asean , năm 2013,về thành tích phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo .

 

 Hà Nội 21 tháng 11 năm 2016

 

^ Về đầu trang