Công bố kết quả & công trình

Mô hình Hợp tác xã theo 7 nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) đã được xây dụng ở nước ta.

Mô hình Hợp tác xã theo 7 nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) đã được xây dụng ở nước ta.
Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ (1954), Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chúng ta bắt tay ngay vào xây dựng một nền kinh tế "Xã hội chủ nghĩa". Hàng loạt"Tổ đổi công", "Vần công" thành lập ở các vùng nông thôn và nhanh chóng được chuyển thành các "Hợp tác xã bậc thấp". Các "Hợp tác xã này được chuyển lên "Hợp tác xã "Bậc cao" trong phong trào "Hợp tác hóa những năm đầu 1960. Do hiểu sai "Tập thể hóa" là "Hợp tác hóa" nên các "Hợp tác xã này trì trệ, một số nơi tan rã. Sau 1975, thống nhất đất nước, mô hình "Hợp tác xã này được đưa vào Miền Nam, nhưng cũng không thành công. Các năm 1994-2000, được sự giúp đỡ của Liên hiệp Hợp tác xã Canada (CCA),Trung tâm Khuyến nông Tự nguyện (CAEV) đã xây dựng ở 8 tỉnh 8 Hợp tác xã nông nghiệp theo đúng 7 nguyên lý của ICA. Các mô hình này đã thành công và đã được ICA công nhận vào các năm 1996 và 1999.

                                                                                                                                                     

                                                                                          GS.TS   Bùi Quang Toản 

 

            I . Hợp tác xã và quá trình Hợp tác hoá ở nước ta.    

           1. ở nuớc ta ngay sau công cuộc cải cách ruộng đất thành công rực rỡ ở miền Bắc , trong những năm 1955-1957 của thời kỳ khôi phục kinh tế đã bắt đầu một phong trào làm ăn tập thể ở nông thôn . Người nông dân sau khi được chia ruộng đất đã tự thành lập ra hàng nghìn tổ ”đổi công“,”vần công“ nhằm hợp tác , giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất . Phong trào này bắt đầu là hoàn toàn tự nguyện . Cơ chế ban đầu là khá đơn giản dựa trên căn bản sự trao đổi tương trợ lẫn nhau của những người có cùng hoàn cảnh , cùng điều kiện , nhất là những khó khăn , thiếu thốn trong sản xuất và đời sống . Do tự nguyện , công khai , cơ chế đơn giản nên việc điều hành và quản lý được thực hiện rất “dân chủ” . Mọi nguời đều tham gia bàn bạc , mọi quyết định đều có sự nhất trí của tất cả các thành viên . Phong trào “đổi công““vần công“ lúc đó đã thực sự có tác dụng lớn thúc đẩy sản xuất , xây dựng nông thôn mới , nhất là trong hoàn cảnh chúng ta lại phải làm một số việc sửa sai sau cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức . Các số liệu thống kê lúc đó còn lưu lại cho thấy chỉ trong vòng 3 năm mà sản xuất lương thực của chúng ta đã tăng thêm hơn một triệu tấn . Khắp nơi không những không còn nạn đói mà còn có dư dật .

      Các tổ “đổi công“ “vần công“ của thời kỳ “khôi phục kinh tế” đó với những tác dụng rất tích cực đã làm bùng lên một phong trào “ Hợp tác hoá “ cũng rất rầm rộ sau đó , từ 1958 đến 1960 . Trong vòng chỉ có 3 năm , đã có hàng nghìn “Hợp tác xã“ “cấp thấp“ và “cấp cao“ được thành lập , thu hút hầu hết nông dân tham gia , có nơI tới 85-95% . Do nóng vội , chủ quan , nhiều nơi chạy theo “thành tích“ nên các nguyên tắc “tự ngyện “ và “dân chủ“ đã bị vi phạm . Mặt khác do phong trào bị mở rộng quá nhanh , không đủ thời gian đào tạo bồi dưỡng,  bố trí cán bộ quản lý và điều hành sản xuất , tác dụng của các “Hợp tác xã“ này lại không bằng các “ Tổ   đổi công“ “vần công“ trước đây . Không thúc đẩy được nông dân phát triển sản xuất . Nhiều nơi sản xuất thua kém trước đó . Tổng sản lượng lương thực miền Bắc 1960 tụt so với 1959 .

         2. Tiếp theo đó ở miền Bắc trong suốt thời kỳ từ 1960 đến 1975 hơn 90% nông dân đã đựoc tổ chức vào các “Hợp tác xã“ lúc đầu là “cấp thấp“ sau là “cấp cao“ , lúc đầu quy mô xóm , sau dần lên quy mô thôn và quy mô xã . Ruộng đất và trâu bò nông cụ được “tập thể hoá“ , kế hoạch sản xuất được tập trung vào cho “Ban quản trị“ đIều hành, sản phẩm làm ra , sau khi nộp thuế và “làm các nghĩa vụ ăn chia cho xã viên theo lao động đã đóng góp . Trong vòng hơn 15 năm đó chúng ta đã phải tiến hành các cuộc vận động lớn nhằm tăng cường và củng cố các “Hợp tác xã“ đó : cải tiến quản lý vòng I , cải tiến quản lý vòng II , “dân chủ hoá điềulệ” , tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng cấp huyện vân vân …

        Vào cuối những năm sáu mươi và đầu những năm bẩy mươi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cuả chúng ta đã đi vào giai đoạn quyết liệt nhất . Chúng ta đã phải huy động tối đa sức người sức của cho tiền tuyến để chiến thắng. Hình thức tổ chức Hợp tác xã ở nông thôn lúc đó đã góp phần rất quan trọng cho sự nghiệp vẻ vang này của dân tộc . Dưói sự lãnh đạo của Đảng nông dân ta tập hợp trong đội hình các Hợp tác xã đã là nguồn cung cấp vô tận cho các mặt trận .

      Rất tiếc là  sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước,  nhiệm vụ cách mạng chủ yếu của chúng ta đã chuyển sang là cải tạo và xây dựng lại nền kinh tế sau chiến tranh , và nhất là các điều kiện chính trị và xã hội ở trong và ngoài nước đã thay đổi , nhưng mô hình Hợp tác xã này vẫn tiếp tục được được giữ nguyên và triển khai phát triển ở miền Nam dưới dạng “Tập đoàn sản xuất“ và “Hợp tác xã” .

      Cơ chế tập trung và chế độ sở hữu tập thể lúc này không còn phù hợp nữa . Nó không còn tác dụng động viên khuyến khích nông dân hăng hái sản xuất mà ngược lại nó kìm hãm tính năng động sáng tạo của nông dân . Đất nước vừa qua mấy cuộc chiến tranh tàn phá . Thiên tai liên tục sẩy ra . Sản xuất lương thực không đủ ăn . Nhiều nơi thiếu đói kéo dài . Hàng năm nhà nước phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực vẫn không đủ để trang trải nhu cầu . Một bộ phận lớn các Hợp tác xã làm ăn thua lỗ , nợ nần chồng chất , nội bộ lủng củng . Nhiều xã viên chán nản xin ra khỏi Hợp tác xã  .        

       3. Trước tình thế ngặt nghèo đó , ngày 5 tháng 4 năm 1988 , Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp . Bản Nghị quyết xác định hộ gia đình nông dân là đơn vị sản xuất độc lập tự chủ . Họ có quyền quyết định sản xuất và tiêu thụ mọi sản phảm làm ra trên phần đát được giao quyền sử dụng lâu dài và ổn định cho họ . Và , như một phép mầu nhiệm , từ đó sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng bắt đầu một thời kỳ liên tục phát triển . Trong vòng chưa đầy 10 năm , từ 1988 đến nay tổng sản lượng lương thực của cả nước đã tăng gần gấp đôi , năm 1988 đạt 16,4 triệu tấn  năm 1997 vừa qua đạt 30,6 triệu tấn . Chúng ta không chỉ có đủ ăn , có dự trữ mà hàng năm đã xuất khẩu được hàng triệu tấn gạo . Năm 1997 vừa qua đạt mức kỷ lục từ xưa đến nay : 3,6 triệu tấn . Một số sản phẩm nông nghiệp khác như cà phê , cao su , hạt điều , chè , các loại đậu đỗ , thịt các loại , và thuỷ hải sản … chúng ta cũng có dư thừa và đã xuất khẩu ngày càng nhiều ra thị trường thế giới .

        4. Tuy nhiên cũng trong 10 năm qua ,tình hình nông thôn nước ta ,trong quá trình phát triển cũng lại cõ những diễn biến phức tạp . Theo các kết quả đIều tra nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thì chỉ có 10-15% số hộ gia đình nông dân là thực sự làm ăn khá giả do họ có kinh nghiệm và có đủ vốn liếng đầu tư. Khoảng 25% số hộ nếu họ cố gắng thì có thể trụ được. Có khoảng 15-20% số hộ nếu gặp điều kiện không thuận lợi như thiên tai hoặc biến động xấu của thị trường thì họ không thể vượt qua được, trở thành làm ăn thua lỗ . Và có 30-35% số hộ nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoàI thì họ hoàn toàn không giữ vững được sản xuất . Họ là những người không chỉ nghèo về vốn và tư liệu sản xuất mà trước hết họ rất nghèo kinh nghiệm và kiến thức , những kiến thức về kỹ thuật mới và về thị trường . Nếu để họ tự lo lấy mình thì , như đã sẩy ra ở nhiều nơi thời gian qua , họ chỉ còn có cách bán đợ phần ruộng đất được giao và trở thành người đi làm thuê cho người khác . Có nhiều vùng ở Nam Bộ và Trung du miền núi hiện nay tỷ lệ nông dân không còn ruộng đất đã lên tới 5-6% . Khoảng cách giầu nghèo ở nông thôn ngày càng rộng . Nhiều hủ tục và tệ nạn xã hội có một thời được xoá bỏ nay xuất hiện trở lại , xu hướng ngày càng trầm trọng . Trên quy mô cả nước thì tình trạng thiếu đất phải di cư “tự do“ , tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ củi và đôt nương làm rẫy nghiêm trọng kéo dài . Đã đến lúc không thể để tiếp diễn tình trạng đó nữa . Người nông dân với ruộng đất trong tay , nhất là những hộ nghèo , cần phải được giúp đỡ để họ tố chức nhau lại thành những cộng đồng mới , hợp tác tương trợ , giúp đỡ lẫn nhau duy trì sản xuất và đời sống của chính bản thân họ. ở những nơi vùng sâu , vùng xa , miền núi ,vùng đồng bào các dân tộc ít người,tỷ lệ hộ nghèo đói cao thì nhu cầu tổ chức và tăng cường các cộng đồng như thế càng bức thiết .

        5. Trong khi đó theo kết quả điều tra của Vụ Chính sách và Phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (1996) thì trong số các Hợp tác xã tổ chức từ trước đây , mặc dù đã có chủ trương chuyển phương hướng hoạt động sang làm dịch vụ sản xuất, vẫn chỉ có 10-12% là còn hoạt động bình thường, 20-25% chỉ làm được một vài dịch vụ trong số các dịch vụ cần thiết, 45-55% hầu như không còn tác dụng, chỉ còn lại tên gọi và bộ máy làm hình thức . 

         Một mặt khác ở nhiều nơi nông dân lại tự động tổ chức ra các “nhóm liên gia“, “nhóm vần công”,”tổ đổi công“… để hỗ trợ nhau trong những dịp thời vụ căng thẳng . Do nhu cầu vốn để mua sắm những nông cụ và vật tư cần thiết cho sản xuất , thay vì phải đi vay nặng lãi của tư nhân trong khi Ngân hàng chưa thể đáp ứng , họ tổ chức ra các nhóm tiết kiệm dưới hình thức giống như “ chơi họ “ trước đây (một hình thức tín dụng đơn giản) …

           Cũng theo một kết quả đIều tra năm 1993 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thì nhu cầu hợp tác của nông dân trong các khâu công việc của quá trình sản xuất như sau :   

           Làm đất            :     58,1%

           Tưới tiêu           :     74,4%

           Bảo vệ thực vật  :     69,8%

           Tín dụng           :     57,2%

           Cung ứng vật tư :     74,4%

Rõ ràng là trên thực tế phần lớn nông dân có nhu cầu hợp tác với nhau trong hầu hết các khâu công việc của quá trình sản xuất .   

         II . Lịch sử Hợp tác xã trên thế giới và Liên minh Hợp tác xã Quốc tế .    

          6. Trên thế giới do nhu cầu phát triển của nhân loại sự hợp tác giữa con người với nhau , giữa các cộng đồng với nhau đã xuất hiện từ rất sớm như một trong những giải pháp để tồn tại . Hình thức “Hợp tác xã“ vì thế đã xuất hiện như là một tố chức xã hội để giúp cho những thành viên tham gia hợp tác với nhau. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận Hợp tác xã đầu tiên đã dược thành lập tại Rockdale , một địa danh ở miền trung của nước Anh , năm 1844 . Những người tiên phong ở Rockdale đã đề xướng ra 8 nguyên lý hợp tác mà sau này Liên minh Hợp tác xã Quốc tế phát triển thành “7 nguyên lý Hợp tác xã “  là :

        1. Mở rộng cho tất cả mọi người tự nguyện tham gia .

        2. Tất cả xã viên tham gia quản lý một cách dân chủ .

        3. Tất cả mọi xã viên tham các hoạt động kinh tế của Hợp tác xã .

        4. Độc lập tự chủ .

        5. Giáo dục đào tạo và thông tin Hợp tác xã .

        6. Hợp tác giữa các Hợp tác xã .

        7. Quan tâm đến cộng đồng .         

        Liên minh Hợp tác xã quốc tế định nghĩa Hợp tác xã như sau : “Hợp tác xã là một phường hội (association) độc lập của những người tình nguyện liên minh với nhau nhằm thoả mãn những nhu cầu chung về kinh tế, xã hội, văn hoá và có hoài bão thông qua hợp tác sở hữu (jointly-owned) và quản lý dân chủ (democratically-controlled) để hoạt động kinh doanh“.

          Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (International Cooperative Alliance - ICA) được thành lập ngày 18 tháng 8 năm 1895 tai Luân Đôn thủ đô nước Anh và đến nay đã có 102 nước tham gia, bao gồm 228 tổ chức quốc gia và 9 tổ chức quốc tế  là thành viên chính thức , với 720 triệu xã viên cơ sở .

         Có nhiều tổ chức Hợp tác ở các nước thành viên của ICA đã phát triển từ rất sớm và ngày nay đã rất mạnh như ở các nước Canada , Thuỵ Điển , Đan Mạch , Nhật Bản … ở Canada chẳng hạn , Hợp tác xã đầu tiên được thành lập từ  năm 1862 , nghĩa là chỉ sau Hợp tác xã của những người tiên phong ở Rockdale nước Anh có 18 năm . Đến nay sau gần 140 năm phát triển Hiệp hội Hợp tác xã của Canada (CCA) đã có 63% tổng số hộ gia đình tham gia với 14 loại hình Hợp tác xã khác nhau . CCA hiện có tổng giá trị tài sản và vốn kinh doanh là 145 tỷ Đô la Canada , tương đương với 115 tỷ Đô la Mỹ . ở Nhật Bản , 91% tổng số hộ gia đình tham gia các Hợp tác xã tiêu thụ …

          III. Những kết quả bước đầu vận dụng các nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA).

         7. Từ năm 1992 một số cán bộ của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông  nghiệp , tập hợp trong Trung tâm Khuyến nông tự nguyện (Center of Agricultural Extension Volunteer-CAEV) , được sự trợ giúp kỹ thuật của Hiệp hội Hợp tác xã Canada (CCA), đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm thành lập một số mô hình Hợp tác xã ở nông thôn áp dụng các nguyên lý của Liên minh Hợp tác xã quốc tế.

         Mục tiêu đặt ra ban đầu là khảo nghiệm khả năng áp dụng các nguyên lý của ICA ở Việt Nam . Thực ra nếu chúng ta nhớ lại thì thấy trong các nguyên lý của ICA cũng có bao gồm cả các nguyên lý trong “3 nguyên lý Hợp tác hoá” của Lênin.

        Lênin đã từng quy định các nguyên lý: tự nguyện , hình thức thích hợp và sự giúp đỡ của nhà nước cho công cuộc Hợp tác hoá . Tuy nhiên trong thực tiễn trước đây do nóng vội hoặc hình thức chủ nghĩa nhiều lúc nhiều nơi các nguyên lý của Lênin đã không được tuân thủ nghiêm chỉnh .

        Để công việc thực nghiệm đảm bảo tính khách quan và các kết quả thu được phản ảnh trung thực sự phù hợp của các nguyên lý của ICA với các đIều kiện cụ thể của địa phương , CCA và CAEV đã tiến hành điều tra ở nhiều nơi trong cả nước để có thể chọn được những nơi điển hình . Mười địa điểm thuộc 10 tỉnh đại diện cho các vùng tự nhiên kinh tế xã hội khác nhau đã được điều tra chi tiết.

        Đã có sự nhất trí cao của tất cả các địa phương dự định tham gia chương trình thực nghiệm là lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn có liên quan sẽ tham gia tích cực mọi khâu công việc , cộng tác chặt chẽ với các chuyên gia của CAEV và CCA, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chương trình đạt kết quả…nhưng không áp đặt hoặc can thiệp trực tiếp vào công việc của các Hợp tác xã làm thực nghiệm .

         Công việc nghiên cứu được tiến hành từ 1993 cho tới nay và dự định còn tiếp tục một thời gian nhất định nữa nhằm đạt những kết quả tương đối ổn định.

         8. Quy mô và quá trình triển khai công việc nghiên cứu thực nghiệm như sau :

         Giai đoạn I : làm trong hai năm , 1993-1994 , chọn hai nơi , xã Liên Sơn (đồng bào dân tộc Mường) thuộc huyện Lương Sơn , tỉnh Hoà Bình , và ấp Bâù Sơn (đồng bào dân tộc Khơ-me) xã Đa Lộc , thuộc huyện Châu Thành , tỉnh Trà Vinh .

         Giai đoạn II : làm tiếp trong hai năm , 1995-1996 , tiếp tục tại hai cơ sở Liên Sơn và Bầu Sơn, đồng thời mở ra thêm ở ba nơi khác : Thôn Phúc Thành  (đồng bào các dân tộc Sán Dìu , Tày , Nùng) , xã Hoá Trung , thuộc huyện Đông Hỷ , tỉnh Thái Nguyên ; hai  buôn : Buôn Tương và Buôn Suối Mít (đồng bào các dân tộc Ê Đê và Rắc Lây) xã Ninh Tây , thuộc huyện Ninh Hoà , tỉnh Khánh Hoà;  ấp Phước Lễ (đồng bào dân tộc Kinh nhưng thuộc vùng sâu) xã Phước Ninh , thuộc huyện Dương Minh Châu , tỉnh Tây Ninh .

         Giai đoạn III : làm tiếp trong hai năm , 1997-1998 , tiếp tục công việc ở các điểm Phúc Thành , Ninh Tây , Phước Lễ , mở rộng diện ra thêm 3 điểm mới : thôn Yên Sinh ( đồng bào dân tộc Kinh ), xã Tràng An, thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ; buôn Chư Pua ( đồng bào dân tộc Êđê và dân tộc Kinh ) xã Chư Huê , thuộc huyện Eakar , tỉnh Đăc Lắc ; ấp Thọ Lâm II , thuộc huyện Tân Phú , tỉnh Đồng Nai . ở giai đoạn III này các điểm Liên Sơn và Bầu Sơn vì đã qua hai giai đoạn , qua bốn năm xây dựng đã tương đối ổn định nên công việc chủ yếu  do Hợp tác xã tự lo liệu và địa ohương tiếp tục chỉ đaọ giúp đỡ .

        ở mỗi điểm thành lập một Hợp tác xã có từ 50-350 hộ gia đình nông dân tham gia , mỗi hộ coi như một thành viên . Công việc thành lập Hợp tác xã đã được tiến hành theo trình tự sau đây :

          - Tổ chức tập huấn giới thiệu đầy đủ , chi tiết cho tất cả các hộ nông dân trong thôn ấp về 7 nguyên lý của ICA , để cho mọi người trao đổi thảo luận thật kỹ về khả năng vận dụng các nguyên lý đó ở thôn ấp mình . Các chuyên gia của CCA và CAEV đã trực tiếp giới thiệu tài liệu và hướng dẫn cho bà con thảo luận.

        - Một nhóm những nông dân tích cực nhất được sự giúp đỡ của các chuyên gia CCA và CAEV đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã : nhận đơn của mọi người tình nguyện tham gia , dự thảo điều lệ và kế hoạch hoạt động của Hợp tác xã , thay mặt những người đã nộp đơn tình nguyện tham gia viết giấy xin phép thành lập Hợp tác xã .

        - Khi được chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cho phép thành lập , ban vận động cùng toàn thể những người đã nộp đơn tiến hành Đại hội thành lập Hợp tác xã . Tại Đại hội mọi người thảo luận kỹ và biểu quyết thông qua điều lệ và kế hoạch hoạt động của Hợp tác xã . Đại hội bầu ra Ban quản trị gồm 7-9 người, bầu chủ nhiệm và phó chủ nhiệm, bầu kế toán trưởng , cử ra các ban : ban kiểm tra, ban tín dụng và ban tuyên truyền giáo dục , mỗi ban có 3-5 người và có trưởng ban. 

        - Toàn bộ hồ sơ kết quả của Đại hội xã viên được gửi về báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện . Căn cứ vào hồ sơ và báo cáo của Hợp tác xã , đối chiếu với các quy định của nhà nước , Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định chính thức

cho phép Hợp tác xã đăng ký hoạt động như một doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân .

           9. Về các Hợp tác xã đã được thành lập và những kết quả chính rút ra qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm cho tới nay có thể tóm tắt như sau :

         Đã có 7 Hợp tác xã được thành lập tại 5 nơi , trong giai đoạn I và giai đoạn II ( từ 1993 đến 1996 ) :

           1. Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông  nghiệp Liên Sơn 367 xã viên.

           2. Hợp tác xã tín dụng Liên Sơn 147 xã viên.

           3. Hợp tác xã đa chức năng Bầu Sơn 327 xã viên .

           4. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phúc Thành 84 xã viên .

           5. Hợp tác xã tín dụng Phúc Thành 72 xã viên .

           6. Hợp tác xã đa chức năng Ninh Tây 71 xã viên .

           7. Hợp tác xã đa chức năng Phước lễ 91 xã viên .   

          Và trong giai đoạn III ( 1997-1998 ) ở 3 địa điểm mới Yên Sinh , Chư Pua và Thọ Lâm II sẽ thành lập ở mỗi nơi các dạng hợp tác xã khác nhau như : Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp , Hợp tác xã tín dụng , Hợp tác xã  mua bán và tiêu thụ , Hợp tác xã bảo hiểm … tuỳ điêu kiện cụ thể của từng nơi và nhu cầu hợp tác của nông dân , mỗi Hợp tác xã có từ 100 đến 350 hộ xã viên , công việc hiện đang được triển khai tích cực và được đông đảo nông dân tham gia . Trong tháng giêng và tháng hai 1998 , các cuộc tập huấn giới thiệu về Nguyên lý Hợp tác xã Quốc tế ở các đIểm Yên Sinh , Thọ Lâm II và Chư Pua số nông dân tới tham dự đều vượt dự kiến của Ban Tổ chức . ở Chư Pua chẳng hạn dự kiến 130 người thì thực tế đã có tới 250 người tham gia . Tất cả nông dân tham gia tập huấn đều đã thảo luận sôi nổi , đồng ý với các nguyên lý Hợp tác xã Quốc tế và tự nguyện tham gia .

        10. Các Hợp tác xã được thành lập đã đi vào hoạt động và đã thu được những kết quả cụ thể rất đáng chú ý .

        Hợp tác xã Bầu Sơn của đồng bào Khơ Me tỉnh Trà Vinh chẳng hạn , lúc đầu mới có 134 xã viên đến nay sau 4 năm đã phát triển lên đến 327 xã viên. Hợp tác xã đã xây dựng được một số cơ sở vật chất như hệ thống kênh mương , cống tiêu nước , máy bơm nước , máy kéo , máy tuốt lúa , đã đưa được điện về phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của các hộ gia đình xã viên . Song kết quả lớn nhất là đã tiếp thu được các tiến bộ kỹ thuật , phát triển được sản xuất , cải thiện được đời sống của các hộ gia đình xã viên . Nếu so sánh bình quân thu nhập của các hộ gia đình xã viên năm 1992 , lúc chưa có hợp tác xã , và năm 1997 , sau hơn 4 năm có hợp tác xã thì thấy đã tăng gấp 4,17 lần . Bình quân lương thực theo đầu người năm 1992 là 148 Kg , năm đó chính quyền địa phương ở đây đã phải cấp lương thực “cứu tế” cho một số hộ, năm 1997 vừa qua bình quân lương thực đã lên tới mức kỷ lục 1147 Kg . Từ 1994 đến nay năm nào cũng thừa ăn . Các hộ đã phát triển chăn nuôi , cải tạo vừơn tạp , đào ao nuôi cá và phát triển nghề phụ (nuôi nấm , làm bánh đa …)

        Liên Sơn đã thành lập hai loại hợp tác xã : Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng . Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có 367 xã viên và hợp tác xã tín dụng có 147 xã viên . Hợp tác xã đã xây dựng được một đập nước , một hệ thống kênh mương , mua sắm được máy bơm , máy phun thuốc trừ sâu … đã tiếp thu được kỹ thuật mới thâm canh lúa , hoa mầu , chăn nuôi hộ gia đình , cải tạo vườn cây …thu nhập của xã viên tăng rõ rệt so với khi chưa có hợp tác xã . Đặc biệt là hợp tác xã tín dụng với 147 xã viên hiện nay (lúc đầu mới có 67 xã viên) , cổ phần góp theo điều lệ của hợp tác xã là 100.000,0 đồng một hộ xã viên . Trong hơn bốn năm qua đã có 93 xã viên được vay vốn của Hợp tác xã , có người được vay tới hai lần , tất cả đều hoàn trả đúng hạn với đầy đủ vốn và lãi . Đến nay tống số vốn hoạt động của hợp tác xã bao gồm cổ phần của xã viên đóng góp (vốn và lãi) , và tiền gửi của xã viên đã lên tới 127 triệu đồng .

      Hợp tác xã Ninh Tây của đồng bào dân tộc Êđê và dân tộc Răclây vừa mới định cư tại xã Ninh Tây lúc đầu mới chỉ có 24 hộ tham gia đến nay đã có 71 hộ , tức là toàn bộ số hộ gia đình của hai buôn , buôn Tương và buôn Suối Mít. Mới đây lại có thêm 35 hộ đồng bào dân tộc Răclây nữa nghe tiếng có hợp tác xã xin về đây định cư và đang xin gia nhập . Hợp tác xã đã đi vào hoạt động được hơn hai năm . Đã xây dựng được đập nước , hệ thống kênh mương , đã khai hoang được thêm ruộng nước , đã tiếp thu được kỹ thuật thâm canh lúa ruộng và trồng mía bán cho nhà máy đường . Nhiều hộ gia đình xã viên thực hiện làm VAC thâm canh . Vì là Hợp tác xã đa chức năng nên Hợp tác xã đã hy động vốn (dù bước đầu còn rất ít ỏi) của xã viên (cổ phần theo điều lệ là 20.000,0 đồng) và động viên xã viên gửi tiết kiệm , đến nay tổng số vốn của Hợp tác xã đã có 18,4 triệu đồng . Đã có 43 hộ xã viên được vay . Thời hạn cho vay là 6 tháng . Tất cả đều đã trả đúng hạn cả vốn và lãi . Thu nhập của các hộ xã viên đã tăng lên rõ rệt . Đời sống của bà con được cải thiện nhiều . Theo các già làng và đông đảo bà con ở đây thì nhờ có Hợp tác xã tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng được tăng cường , ngày càng sâu đậm .

         Ở Phúc Thành cũng đã có hai Hợp tác xã được thành lập , hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã tín dụng . Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có 84 hộ xã viên và Hợp tác xã tín dụng có 72 xã viên . Hâù hết đồng bào các dân tộc Sán Dìu , Tày , Nùng ở trong thôn đều đã tham gia Hợp tác xã . Trong hơn hai năm qua Hợp tác xã đã làm được nhiều việc . Đã xây dựng được trạm bơm điện và một hệ thống kênh mương đưa nước vào ruộng . Đã áp dụng được nhiều tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi . Nhiều xã viên phát triển kinh tế hộ gia đình có tiền gửi vào Hợp tác xã . Hợp tác xã cũng đã thành lập được vườn trẻ , giúp đõ các hộ xã viên trẻ ổn định và phát triển sản xuất . Đã có 47 xã viên được vay vốn của Hợp tác xã và tất cả đã hoàn trả đúng hạn cả vốn và lãi . Vốn hoạt động của Hợp tác xã bao gồm cổ phần (vốn và lãi) và tiền gửi của xã viên hiện nay đã lên tới 11,7 triệu đồng . Nhiều nông dân của các thôn lân cận đang muốn gia nhập Hợp tác xã .

        Hợp tác xã Phước Lễ trước khi hợp tác xã được thành lập đã có hình thức tổ tương trợ . Toàn xã Phước Ninh lúc đó có 19 tổ tương trợ . Ba tổ tương trợ thuộc ấp phước lễ đã thành lập Hợp tác xã Phước lễ hiện nay . Hợp tác xã hiện có 91 xã viên . Khi mới thnhf lập chỉ mới có 63 xã viên . Đây là một hợp tác xã đa chức năng , có nghĩa là hợp tác xã làm các dịch vụ sản xuất nông nghiệp đồng thời cũng làm các dịch vụ tín dụng . Trong hơn hai năm qua hợp tác xã đi vào hoạt động Đã mua sắm được một số nông cụ , máy móc như mấy bơm nước,  máy kéo , máy tuốt lúa , máy phun thuốc trừ sâu … Hợp tác xã cũng đã tổ chức tiếp thu được nhiều tiến bộ kỹ thuật về thâm canh lúa , thâm canh lạc , về chăn nuôi lợn , chăn nuôi bò , cải tạo vườn tạp.. Về hoạt động tín dụng hợp tác xã cũng đã tạo được nguồn vốn cho đến nay đat 8 triệu 600 ngàn đồng bao gồm cổ phần xã viên đóng góp , tiền của xã viên gửi , và cũng đã có 42 xã viên được vay vốn của hợp tác xã . Thời hạn cho vay là 6 tháng và tất cả mọi người vay đều đã hoàn trả đúng thời hạn cả vốn lẫn lãi . Nhìn chung thu nhập của các hộ nông dân xã viên đều tăng và đời sống của họ được cải thiện rõ rệt . Hiện có rất nhiều nông dân trong xã Phước Ninh đang muốn xin gia nhập Hợp tác xã Phước lễ .

         Một kết quả rất đáng kể nữa là tất cả xã viên và cán bộ của các Hợp tác xã đều đã được học tập , hiểu biết cặn kẽ về các nguyên lý hợp tác xã quốc tế  . Họ đã trao đổi , thảo luận kỹ lưỡng với nhau về các nguyên lý và khả năng vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương ngay từ trước khi thành lập hợp tác xã . Các cán bộ lãnh đạo các hợp tác xã do các Đại hội xã viên bầu ra , và các cán bộ chuyên môn , kỹ thuật của các hợp tác xã cũng đã được tập huấn rất cơ bản , chẳng hạn như về ghi chép ban đầu , về sổ sách kế toán , về hướng dẫn , chỉ đạo áp dụng các kỹ thuật mới . Đã có 16 nông dân và cán bộ cơ sở được cử đi tập huấn ở ấn Độ , Philipin , Thái lan trong đó có 7 nông dân . Thời gian tập huấn và tham quan khảo sát ở nước ngoài có đợt kéo dài tới một tháng rưỡi . Tất cả các cán bộ này hiện đang vận dụng rất tốt các kiến thức được huấn luyện đào tạo vào công việc chuyên môn của mình . Năm trong số bẩy nông dân đi tập huấn ở nước ngoàI đã được xã viên bầu là chủ nhiệm Hợp tác xã . Các ông Thắng (người Mường ở Liên Sơn , ông An (người Sán Dìu ở Phúc Thành) , ông Sơn Tiên (người Khơ Me ở Bầu Sơn) đã trúng cử 2-3 khoá chủ nhiệm liền . Các cán bộ lãnh đạo huyện như ông Dương Văn Chép (người Khơ Me) nguyên Chủ tịch huyện Châu Thành , ông Lê Văn Lịch , Chủ tịch huyện Lương Sơn , ông Nguyễn Văn Kim , nguyên Chủ tịch huyện Đồng Hỷ (hiện là Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên) vân vân … là những người sau khi đi tập huấn khảo sát ở nước ngoài nắm được các nguyên lý cơ bản đã liên hệ với các chủ trương đương lối của Đảng , vận dụng sáng tạo vào điều kiện của địa phương ,đã chỉ đạo thành công xây dựng các Hợp tác xã điểm theo kiểu mới như đã trình bầy ở trên . 

       11. Đồng chí cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Võ Văn Kiệt năm 1994 , khi còn làm Thủ tướng Chính phủ , đã về thăm Hợp tác xã Bầu Sơn . ông Shác-Ma , nguyên Phó chủ tịch Liên Minh Hợp Tác xã Quốc tế (ICA) , năm 1995 đã tới thăm và làm việc với Hợp tác xã Liên Sơn , ông Rô-bi Tu-lut Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quốc tế kiêm Giám đốc Văn phòng ICA tại Châu á Thái Bình dương đã tới thăm và làm việc nhiều lần với các Hợp tác xá Liên Sơn , Bầu Sơn và Ninh Tây . Các chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Hợp tác xã của Canada (CCA) , Liên hiệp Hợp tác xã tín dụng Châu á (ACU) , Hiệp hội Hợp tác xã tín dụng của Malaysia … đã có nhiều dịp tới thăm và làm việc với các hợp tác xã Liên Sơn , Bầu Sơn , Phúc Thành , Ninh Tây , Phước Lễ . Tất cả các quan chức và chuyên gia của ICA , CCA , ACU đều đã thừa nhận sự thành công của việc vận dụng các nguyên lý Hợp tác xã Quốc tế ở đây và hối thúc việc nhân nhanh các điển hình này ra diện rộng 

       12. Cuối năm 1996 đầu năm 1997 , sau khi tổng kết , đánh giá kết quả nghiên cứu , thử nghiệm tại 5 địa phương , CCA và CAEV thống nhất sẽ mở rộng thêm ra 3 địa phương mới nữa đó là Yên Sinh (Đông Triều , Quảng Ninh  , Chư Pua (Eakar , Đaclak) và Thọ Lâm II (Tân Phú , Đồng Nai) . Đây là những địa phương đã có trình độ sản xuất khá cao , hiện nay nông dân có nhu cầu hợp tác để phát triển sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường . Các địa phương này trước đây đều đã xây dựng hợp tác xã “kiểu cũ”.

       Từ giữa 1997 đã tiến hành điều tra cơ bản về kinh tế nông hộ tại Yên Sinh và Chư Pua . Các kết quả điều tra được phân tích theo các tiêu thức và quy trình của ICA . Đầu năm 1998 đã tiến hành tập huấn giới thiệu 7 nguyên lý cơ bản của ICA cho toàn bộ nông dân và cán bộ địa phương của 3 nơi dự chọn . Công việc vận động tổ chức hợp tác xã theo trình tự đã làm ở 5 hợp tác xã điểm đang được bà con nông dân ở đây tiến hành có sự chỉ đạo của huyện và sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tự nguyện (CAEV). Theo đúng kế hoạch , quý II 1998 các hợp tác xã Yên Sinh , Chư Pua , Thọ Lâm II đã được thành lập . Hợp tác xã Chư pua  là hợp tác xã của đồng bào kinh và đồng bào Êđê Tây Nguyên chuyên trồng cà phê và Hợp tác xã Thọ Lâm II là hợp tác xã của đồng bào Thiên Chúa giáo Đông Nam bộ .

        IV. Những kết luận . 

       13. Các nguyên lý hợp tác xã của Liên minh hợp tác xã quốc tế ( ICA ) có thể vận dụng thành công trong hoàn cảnh nước ta hiện nay . Nông dân ở các vùng sản xuất đang gặp nhiều khó khăn , họ cần thiết phải có sự hợp tác với nhau để vượt qua khó khăn phát triển sản xuất , ổn định đời sống , có thể nói là họ có nhu cầu hợp tác cao nên họ rất thiết tha với việc thành lập hợp tác xã  .          

       14. Do nội dung của các nguyên lý của ICA khá chi tiết và có khác với các nguyên tác tập thể hoá của các hợp tác xã “kiểu cũ” trước đây cho nên cần thiết phải tiến hành tập huấn , giới thiệu đầy đủ , cụ thể về các nguyên lý đó . Nông dân cần  được thảo luận , liên hệ với các điều kiện của địa phương , và đối chiếu với những chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông thôn và nông nghiệp hiện nay. Chỉ khi nào nông dân thật sự thông suốt , nắm vững tất cả các nguyên lý và thừa nhận rằng các nguyên lý đó có thể vận dụng ở địa phương mình thì họ mới tình nguyện tham gia và khi đó hợp tác xã mới thành công . Tiếp theo đó là công việc tiếp tục huấn luyện về kỹ thuật chuyên môn về quản lý hợp tác xã và phát triển sản xuất , đặc biệt là về quản lý hợp tác xã  .

        15.  Hiện nay chúng ta đang có những thuận lợi cơ bản đó là  chủ trương của Đảng và Nhà Nước chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã có Luật hợp tác xã được Quốc Hội thông qua tháng 4 năm 1996 . Gần đây Chính phủ cũng đã ban hành Điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp . Đó là những cơ sở pháp lý vững chắc cho các hợp tác xã thành lập , phát triển và hoạt động thắng lợi .                                                                                                                                                                  

                                      Tháng 10 năm 2000                                       

                                                  

 

 

^ Về đầu trang